Chưa có giải pháp cho vấn nạn “phao tặc”
(Dân trí) - “Phao tặc” hoành hành khắp ĐBSCL với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh đã trở thành một vấn nạn nhức nhối. Điều đáng nói là tình trạng mất cắp phao tiêu, biển báo xảy ra ngày càng nghiêm trọng mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn.
ĐBSCL hiện có khoảng 13.000 km sông rạch được khai thác vận tải và được lắp đặt phao tiêu, biển báo trị giá nhiều tỷ đồng.
Lơ một ly, đi bạc triệu
Đoạn quản lý Đường sông số 12 có 249 km đi qua địa bàn 7 tỉnh của ĐBCSL, những năm qua nạn trộm cắp phao tiêu, biển báo tăng một cách chóng mặt. Mỗi năm xảy ra trên 60 vụ gây thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Trên địa bàn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre,Vĩnh Long do Đoạn quản lý Đường sông số 11 quản lý, mỗi năm cũng xảy ra hàng chục vụ mất cắp phao tiêu biển báo. Đạo tặc nhắm vào tất cả các bộ phận của phao tiêu, biển báo có thể gỡ được để bán như đèn, ắc quy, ốc vít… Nhiều khi đạo tặc lấy đi dây xích cố định phao làm chiếc phao trôi mất.
Mỗi chiếc phao đường thuỷ nội địa có giá từ 18 - 30 triệu đồng và mỗi một vụ mất cắp phụ kiện thì kinh phí sửa chữa tốn 1/3 có khi lên đến 2/3 giá trị chiếc phao. Nguy hiểm hơn, những chiếc phao tiêu khi không còn đèn báo hiệu lại vô tình trở thành chướng ngại vật vào ban đêm, có thể gây tai nạn cho bất cứ tàu thuyền nào.
Anh Phạm Công Thuần, Trưởng trạm Cần Thơ thuộc Bộ phận bảo đảm an toàn hàng hải Khu vực 4 (Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: Đây là tuyến đường thủy huyết mạch từ TPHCM về ĐBSCL, có cảng Cần Thơ nên mật độ tàu thuyền lưu thông rất lớn, trên 600 chiếc một ngày.
Sông rộng nên các phao tiêu, biển báo đều xa khu dân cư, vì thế chúng trở thành mồi ngon của phao tặc. “Chúng tôi đã tổ chức lực lượng tuần tra, mai phục có khi cả tháng trời mà không bắt được vụ nào nhưng chỉ cần anh em lên bờ một tý là y như rằng có phao tiêu bị trộm cắp và phá hoại”.
“Viếng thăm” cả phao tiêu hàng hải quốc tế
Không chỉ “mổ” các phao nhỏ, phao tiêu cỡ lớn nặng vài tấn cũng là “mồi ngon” của phao tặc. Trên mỗi phao được gắn các thiết bị như: bộ đèn phao, bộ bảo vệ 2 bình ắc quy, dây điện, tấm pin năng lượng mặt trời… trị giá hơn 100 triệu đồng.
Tại tuyến hàng hải luồng Định An - Cần Thơ, tình trạng mất cắp thiết bị phao luồng cũng đến mức báo động bởi có đến 20% số phao bị trộm cắp thường xuyên. Tuyến hàng hải này có chiều dài 120 km, xuất phát từ cửa biển Định An (Trà Vinh) đi sâu vào nội địa đến điểm cuối là Cần Thơ, phục vụ cho các tàu thủy (kể cả tàu biển quốc tế) ra vào hai cảng biển lớn là Cảng Cần Thơ và Cảng Cái Cui.
Trên tuyến luồng này được lắp đặt 100 phao luồng và một đèn cửa biển để làm hiệu dẫn các phương tiện hàng hải ra vào. Tuy nhiên mới đây, một vụ trộm cắp thiết bị phao luồng đã xảy ra trên địa phận Cần Thơ. Các đối tượng trộm cắp đã lấy đi 2 đèn, 10 mét dây điện và 2 bình ắc quy trên phao.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Trạm quản lý luồng Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát nhưng các đối tượng trộm cắp luôn rình rập, canh chừng hễ không thấy lực lượng là ra tay. Tình hình trộm cắp thiết bị phao luồng rất chuyên nghiệp, có tổ chức”.
Số vụ mất cắp phao tiêu biển báo ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Có thời điểm, chỉ trong một đêm, bọn trộm đã dùng máy cắt, phá lấy trộm thiết bị ở 20 phao với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Ông Sái Văn Sưởng, Trưởng trạm quản lý luồng Định An - Hồ Tàu (Trà Vinh) cho biết: “Trạm quản lý 33 phao và 1 đèn báo hiệu cửa biển Định An. Tất cả các phao đều nằm ngoài biển nên công tác tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn”.
Nạn mất cắp phao tiêu, biển báo đã trở thành vấn nạn trên toàn địa bàn ĐBSCL. Trong khi đó, công tác bảo vệ khối tài sản lớn này vì nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Ngày 20/7/2008, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14) kết hợp với Phòng CSGT Đường thủy (PC25) Công an TP Cần Thơ đã triệt phá một băng trộm đường sông chuyên nghiệp. Qua đó đã bắt giữ 3 đối tượng: Nguyễn Văn Phong (tự Cụi quậy, SN 1984, là kẻ cầm đầu); Nguyễn Văn Phương (SN 1988, em ruột Phong) và Nguyễn Văn Thông (SN 1995), cả 3 cùng ngụ ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Với thủ đoạn ban ngày sử dụng ghe, giả làm người đi mua phế liệu để thăm dò các địa điểm có thể “làm ăn”. Khi đêm xuống, bọn chúng đi ghe đến, dùng cưa sắt cưa trộm những loại tài sản trên rồi mang đi bán phế liệu. Bước đầu, Phong cùng đàn em khai nhận đã thực hiện trót lọt trên 20 vụ trộm cắp phao tiêu trên tuyến sông Hậu. |
Nhật Trường