1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chưa buộc ghi nhãn để truy nguồn gốc mọi loại thực phẩm

(Dân trí) - Vấn đề còn gây nhiều băn khoăn nhất trước khi QH bấm nút thông qua Luật an toàn thực phẩm là quy định buộc ghi nhãn thực phẩm. Việc ghi nhãn để đảm bảo tính khả thi vẫn phải căn cứ điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ cụ thể…

Chưa buộc ghi nhãn để truy nguồn gốc mọi loại thực phẩm  - 1
Nhập nhèm nhãn mác thực phẩm vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để.

Về điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (Điều 22), có ý kiến đề nghị ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia buộc các địa phương phải áp dụng chung, không nên giao mỗi nơi ban hành quy chuẩn riêng “đá nhau”, chồng chéo.

Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ & môi trường Đặng Vũ Minh lật lại, mỗi địa phương hiện nay đều có thực phẩm đặc thù, không những có giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về văn hóa - xã hội nên việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để quản lý là cần thiết. Việc ban hành quy chuẩn của địa phương cũng phù hợp các luật hiện hành về phân cấp quản lý tiêu chuẩn, vẫn đảm bảo tính thống nhất.

Về vấn đề ghi nhãn thực phẩm, ông Minh nhấn mạnh đây là nguyên tắc cần áp dụng đối với tất cả thực phẩm để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tuy nhiên, nếu quy định tất cả thực phẩm lưu thông trên thị trường phải ghi nhãn thì khó bảo đảm tính khả thi.

UB Thường vụ QH quyết định sửa quy định trong dự thảo luật theo hướng thực hiện ghi nhãn theo pháp luật về nhãn hàng hóa, giao Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ để quy định cụ thể.

Trách nhiệm của các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực thẩm cũng được quy định rõ. Theo đó, các chủ thể này phải lưu giữ hồ sơ, thông tin về thực phẩm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

UB Thường vụ QH cũng tán thành ý kiến đề nghị bổ sung quy định buộc ghi nhãn đối với những thực phẩm không có lợi cho phụ nữ, trẻ em, có khuyến cáo về mặt sử dụng. Tuy nhiên, điều luật thiết kế chỉ quy định mang tính nguyên tắc về ghi nhãn, còn quy định cụ thể giao Chính phủ soạn thảo nghị định.

Ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm sử dụng phụ gia thực phẩm đã quá hạn sử dụng; cấm lưu trữ, vận chuyển thực phẩm không an toàn, sử dụng thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, trồng trọt; cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm cũng được nhiệt thành… “bỏ phiếu” thuận.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định Bộ Y tế phải tổ chức nghiên cứu về tác hại của các thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe của con người, trên cơ sở đó đề ra các chương trình, các chiến lược lâu dài để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ý kiến khác lại “gỡ” trách nhiệm cho Bộ Y tế về việc quản lý khâu vận chuyển, xuất khấu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chuyển sang cho Bộ Công thương.

UB Thường vụ “phán quyết”, việc giao trách nhiệm cho Bộ Y tế quản lý các loại sản phẩm này đã được pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước quy định và thực hiện ổn định trong thời gian qua, không xảy ra chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ các bộ quản lý chuyên ngành khác. Vì vậy, nội dung quy định được giữ nguyên như trong dự thảo luật.

Luật an toàn thực phẩm được thông qua với tuyệt đại đa số đại biểu tán đồng.

P. Thảo