1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Chủ tịch tỉnh Đắk Nông: Khó giải ngân vốn đầu tư công do vướng... bô xít

Thúy Diễm

(Dân trí) - Với những vướng mắc trong quy hoạch bô xít dẫn đến nhiều khó khăn, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông trăn trở mong các bộ, ngành sớm gỡ vướng để tỉnh có điều kiện phát triển.

Ngày 8/8, phát biểu tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã chia sẻ về thực trạng, vướng mắc của tỉnh liên quan nhiều vụ việc, trong đó có vướng quy hoạch bô xít của tỉnh.

Chủ tịch tỉnh Đắk Nông: Khó giải ngân vốn đầu tư công do vướng... bô xít - 1

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu những vướng mắc của tỉnh trong quy hoạch bô xít (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo ông Mười, tỉnh rất trăn trở khi vướng mắc quy hoạch bô xít dẫn đến gặp khó trong rất nhiều công việc. Cụ thể, bô xít tỉnh Đắk Nông trải dài 6 huyện, thành phố mà không tập trung như các khoảng sản khác, dẫn đến tỉnh gặp vướng khi "đụng đâu cũng bô xít".

Chủ tịch tỉnh Đắk Nông nêu rõ, phía tỉnh đã báo cáo những vướng mắc lên Thủ tướng cùng các bộ, ngành Trung ương và báo cáo tại nhiều diễn đàn về thực trạng này.

Ông Mười lý giải, bô xít là đặc thù riêng của tỉnh nhưng các vướng mắc dẫn tới việc "không thể làm gì được"; các chương trình mục tiêu quốc gia, khó giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cũng do bô xít.

"Nếu khai thác bô xít theo tiến độ hiện nay, 400 năm sau mới khai thác hết. Sắp tới nếu thêm 5 nhà máy nữa (những đơn vị này đã nộp hồ sơ khai thác)  cũng phải gần 200 năm mới khai thác hết bô xít của tỉnh", ông Mười tính toán.

Vì vậy, tỉnh đề nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm phân kỳ khai thác để địa phương tính toán có thể sản xuất được trên đất bô xít.

Đắk Nông đang có hơn 1.000 công trình, dự án đầu tư công không thể triển khai thực hiện do vướng quy hoạch bô xít vì chưa thể tháo gỡ.

Chủ tịch tỉnh Đắk Nông: Khó giải ngân vốn đầu tư công do vướng... bô xít - 2

Hồ chứa nước Đắk N'Ting bị sạt trượt tròn 1 năm nhưng chưa được làm rõ nguyên nhân (Ảnh: Thúy Diễm).

Ngoài ra, trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng sạt lở, sụt lún tại nhiều công trình đường sá, thủy lợi... của tỉnh thời gian, Chủ tịch UBND Đắk Nông thừa nhận đây là vấn đề mà "cả tỉnh đang rất nóng ruột".

Theo ông, địa phương đã có rất nhiều phương án, tính toán kỹ, trước hết phải di dời người dân trong vùng sạt lở bởi tính mạng con người là quan trọng nhất, sau đó mới tính đến việc di dời tài sản.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông thẳng thắn thừa nhận khó khăn nhất của tỉnh là nguồn kinh phí để khắc phục những sự cố này. Điển hình, việc sạt trượt trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn qua tỉnh dự trù kinh phí sửa chữa lên tới 200 tỷ đồng và còn rất nhiều công trình khác cần tiền khắc phục.

Riêng đối với sạt trượt tại Hồ thủy lợi Đắk N'Ting ở huyện Đắk Glong, phía tỉnh đã phê bình những cá nhân, đơn vị chậm trễ trong việc xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố.