Chủ tịch tỉnh Bình Thuận phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm

(Dân trí) - Chiều 7/4, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn công bố kết luân thanh tra tại UBND tỉnh Bình Thuận (Ảnh: TTCP)
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn công bố kết luân thanh tra tại UBND tỉnh Bình Thuận (Ảnh: TTCP)

Thanh tra Chính phủ cho rằng ở nhiều địa phương, ngành ở tỉnh Bình Thuận, trình tự thủ tục khi tiến hành thanh tra còn nhiều thiếu sót, vi phạm. Số hồ sơ có vi phạm về trình tự thủ tục khá cao. Có một số cuộc thanh tra tiến hành sơ sài, không đầy đủ nội dung theo kế hoạch được duyệt.

Việc công khai các kết luận thanh tra tuy đã được thực hiện nhưng hình thức công khai ở nhiều cuộc thanh tra chưa đầy đủ theo quy định của Luật Thanh tra. Hồ sơ thanh tra không đánh số bút lục, không có danh mục hồ sơ lưu trữ.

Trưởng đoàn một số cuộc thanh tra chưa thực hiện đúng thẩm quyền được quy định nên đã vượt quá thẩm quyền, hoặc không kiến nghị xử lý theo thẩm quyền được pháp luật cho phép. Chất lượng nhiều cuộc thanh tra chưa cao, kết luận một số cuộc thanh tra chưa xử lý hết các sai phạm được phát hiện, trong đó có cả việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng nhưng không kiến nghị xử lý theo quy định.

Theo kết luận thanh tra, một số nơi công tác tiếp công dân của lãnh đạo chưa được coi trọng, thủ trưởng đơn vị tiếp dân không đủ số ngày theo quy định. Chất lượng tiếp công dân, xử lý đơn thư chưa cao, còn nhiều sai sót. Công tác thụ lý giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố, thủ trưởng các ban ngành của tỉnh Bình Thuận còn nhiều sai sót, vi phạm, nhất là các đơn vị liên quan đến cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc xác định loại đơn và xác định thẩm quyền thụ lý…

“Việc tỉnh Bình Thuận thường xuyên ban hành các “quyết định đình chỉ” hoặc “quyết định tạm đình chỉ” khi giải quyết khiếu nại, nhưng thực chất khiếu nại được giải quyết, là không phù hợp với quy định hiện hành. Việc này cần nghiêm túc chấn chỉnh. Riêng việc ban hanh “quyết định tạm đình chỉ” trong trường hợp người khiếu nại chết, mất năng lực hành vi, tuy chưa có quy định pháp lý nhưng phù hợp với thực tế phát sinh”- kết luận chỉ rõ.

Về công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số mặt hạn chế. Việc công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị khi lập, triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hoặc mua sắm công chưa công khai đầy đủ các nội dung theo Luật Phòng chống tham nhũng. Còn xảy ra nhiều vi phạm, thiếu sót trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất…

Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm để chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã được nêu trong kết luận thanh tra; trong đó cần xem xét trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót và vi phạm đã được cơ quan này phát hiện.

“Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để chấn chỉnh đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã được quy định tại Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng”- kết luận nêu rõ.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đồng ý tại văn bản số 2551/VPCP-V.I ngày 18/3/2017. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố công khai kết luận này tại trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận.

Thế Kha