Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thẳng thắn về việc chậm biên soạn sách giáo khoa
(Dân trí) - Việc biên soạn sách giáo khoa mới chậm so với yêu cầu, Bộ Giáo dục đề nghị không làm sách bằng tiền ngân sách. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo thẳng thắn những khó khăn dẫn đến việc này.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng nhắc lại nội dung Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”, đồng thời giao cho Bộ Giáo dục & Đào tạo “tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa”.
Quy định này, theo cơ quan thẩm tra, nhằm bảo đảm ổn định việc biên soạn, cung cấp sách giáo khoa giáo dục phổ thông khi phương thức xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đồng thời bảo đảm chất lượng sách giáo khoa cũng như tránh độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa.
Trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Bộ Giáo dục đã chưa bao quát và dự đoán hết tình hình thực tế và cũng chưa báo cáo kịp thời với Quốc hội những khó khăn, vấn đề phát sinh để bảo đảm việc triển khai, thực hiện Nghị quyết một cách tốt nhất.
UB Văn hóa, Giáo dục phân tích, từ tình hình thực tế của quá trình triển khai biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương xã hội hóa, các chuyên gia có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của các nhà xuất bản, nên sau 2 lần tổ chức đấu thầu, Bộ Giáo dục vẫn không đạt kết quả theo mục đích đặt ra.
Theo đó, đến nay, Bộ vẫn chưa thể xây dựng bộ sách “chuẩn” theo yêu cầu của Nghị quyết 88, dù nguồn tiền để thực hiện đã được dành sẵn.
Trong khi đó, với chủ trương xã hội hóa, đến nay đã có 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản uy tín trong ngành giáo dục được Bộ trưởng Bộ Phùng Xuân Nhạ phê duyệt ban hành sử dụng phục vụ cho năm học 2020-2021, sau khi đã được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
“Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục cho rằng, trong quá trình triển khai chủ trương xã hội hóa thì đây là một thực tế cần quan tâm và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, mặt tích cực của quá trình này là Bộ Giáo dục đã phê duyệt được sách giáo khoa lớp 1 phục vụ năm học tới theo lộ trình, được khẳng định là đảm bảo chất lượng quốc gia theo luật định” – báo cáo thẩm tra nêu nhận định.
Thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước vì thời gian từ nay đến khai giảng năm học mới, 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định bộ sách lớp 1 mới, khó có thể tập hợp chuyên gia khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản nêu trên…
Tuy nhiên, để chủ động, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị giao Thủ tướng quyết định cụ thể trong trường hợp cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội và một số uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, không cần sửa Nghị quyết 88 mà cần báo cáo thẳng thắn với Quốc hội những khó khăn trong thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn, việc thực hiện Nghị quyết chậm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục là không tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa “chuẩn”, làm bằng ngân sách nhà nước nữa. Tuy nhiên, bà lưu ý Bộ quản lý nhà nước cần kiểm soát không để giá sách quá cao, vượt quá khả năng của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tán thành nguyên tắc Chủ tịch Quốc hội nêu ra, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị: “Không có bộ sách của Nhà nước thì người dân bắt buộc phải lựa chọn sách xã hội hoá, giá sẽ cao, cần quan tâm đến việc này không thể để giá quá cao”.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, phải kiểm soát được giá và quan tâm hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em đang đi học.
Phải có bộ sách in đẹp, giá vừa phải đến con em đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu.
16 triệu USD Bộ Giáo dục chưa dùng cho việc biên soạn bộ sách, Phó Chủ tịch Quốc hội nói rõ là giao cho Chính phủ quản lý, yêu cầu sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích.
Phương Thảo