Chủ tịch Quốc hội: "Thuốc là mặt hàng đặc biệt, phải kiểm soát rất chặt"
(Dân trí) - Doanh nghiệp dược phẩm có xu hướng mong muốn "nới" quy định kinh doanh thuốc trực tuyến, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thuốc là mặt hàng đặc biệt nên phải kiểm soát rất chặt.
Quan điểm này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra khi cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/4.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 43 điều, trong đó sửa đổi 40 điều, bổ sung 3 điều, bãi bỏ 4 điểm và 2 khoản.
Bổ sung quy định kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là một trong những điểm mới của dự thảo luật.
Theo cơ quan thẩm tra (Ủy ban Xã hội), bổ sung quy định này là cần thiết, song cần làm rõ nội hàm "kinh doanh chuỗi nhà thuốc"; quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, đối tượng được tham gia mua, bán.
Việc này nhằm tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, doanh nghiệp dược phẩm có xu hướng mong muốn "nới" quy định kinh doanh thuốc trực tuyến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhưng ông lưu ý thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, nên kinh doanh thuốc trực tuyến phải "kiểm soát rất chặt, đánh giá tác động cụ thể".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ việc cấp phép kinh doanh dược phẩm theo phương thức thương mại điện tử được áp dụng cho doanh nghiệp có chuỗi nhà thuốc hay chỉ cấp từng cơ sở đơn lẻ.
Bên cạnh đó, ông cho rằng dự thảo luật cần quy định chi tiết việc xử lý vi phạm; quy trình giao thuốc đến khách hàng; truy xuất nguồn gốc; pháp nhân chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố sử dụng thuốc.
Đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước cũng là đề nghị được Chủ tịch Quốc hội nêu ra, cùng với việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới về vấn đề này.
"Làm sao tìm được điểm cân bằng nhất giữa sản xuất kinh doanh, lưu thông thuận lợi với đảm bảo minh bạch, an toàn cho người mua", ông Huệ góp ý.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật cần quan tâm chính sách phát triển ngành dược, có ưu đãi với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao thông qua các quy định về lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỷ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển thuốc mới.
Ông Huệ cũng góp ý thúc đẩy liên doanh hợp tác trong nước - nước ngoài thành chuỗi, đặc biệt trong các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. "Nên chăng có chính sách ưu đãi với thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc?", ông Huệ gợi mở.
Theo ông, nếu giá nhập khẩu cao, giá thành thuốc sẽ đắt, người dân phải mua thuốc đắt nên cạnh tranh sẽ kém. Nên có thể nghiên cứu chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng các chính sách về ưu đãi phát triển công nghiệp dược còn chung chung và mang tính nguyên tắc.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sớm có giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, nhất là trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư để đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất dược liệu, sản xuất thuốc, vaccine trong nước trong giai đoạn tới.