Chủ tịch Quốc hội: Khó tìm tiêu cực, tham nhũng nếu kế toán không minh bạch
(Dân trí) - Chưa hài lòng với các quy định về hoạt động kế toán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lập luận, tìm tiêu cực, tham nhũng hay tiến bộ cũng là thông qua kế toán. Kế toán không minh bạch làm sao thanh tra, kiểm toán được.
Ngày 10/8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 40, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần quy định nội dung kiểm toán nội bộ vào trong luật. Bên cạnh đó, mặc dù chức danh kế toán trưởng đã có từ rất lâu nhưng lại chưa có quy định cụ thể nào, do vậy, cũng cần phải đưa quy định kế toán trưởng vào luật.
Ông Giàu cũng nhắc lại mối lo ngại của Chủ tịch Quốc hội trước đây: “Ngại nhất là Việt Nam có 2 loại báo cáo kế toán, cái quốc tế, cái Việt Nam”.
Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Luật kế toán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, trong nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, cái quan trọng nhất là công khai, minh bạch, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên dự thảo luật trình Thường vụ Quốc hội lần này lại chưa kỹ, rất nhiều điểm, nhiều điều phải quy định được những nguyên tắc, nội dung cơ bản, có những điểm phải quy định chi tiết, ví dụ như quy định về công khai, tiêu chí bổ nhiệm kế toán trưởng, hay lập hội…
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: “Kế toán không minh bạch, không thống nhất toàn quốc thì làm sao thanh tra, kiểm tra, kiểm toán làm được? Tìm tiêu cực, tham nhũng, biển thủ, hay tìm sự tiến bộ cũng ở đây. Dự thảo luật đưa ra còn mỏng, cần gia cố thêm”.
Nói về tình trạng doanh nghiệp thuê cán bộ thuế, kiểm toán làm kế toán cho doanh nghiệp mình. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, cần quy định cụ thể điều kiện thuê kế toán, và nên quy định doanh nghiệp không được thuê cán bộ kiểm toán, cán bộ thuế đang công tác làm kế toán.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, vẫn còn một số nội dung trong dự thảo Luật chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. “Hiến pháp đã quy định những nội dung cấm phải đưa vào luật, chứ không được quy định trong các văn bản dưới luật".
Ông Lý cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn chung, sau đó mới giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chuẩn mực được. Cũng theo ông Lý, riêng về kiểm toán nội bộ phải có luật riêng, đây là một dạng kế toán, nhưng lại là kiểm toán. Ngoài ra, điều kiện về kế toán trưởng cũng cần phải đưa vào luật chứ không phải để Chính phủ quy định.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ tiếp thu và cố gắng cụ thể hóa toàn bộ những vấn đề đại biểu vừa nêu, nhưng việc này cũng chỉ thực hiện ở mức độ nào đó thôi.
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn dụ, quy định về chuẩn mực kế toán, hiện có tới 37 chuẩn mực kế toán, hơn 40 chuẩn mực về kiểm toán, do vậy Luật chỉ quy định nguyên tắc thôi, còn lại sẽ giao cho Bộ tài chính quy định chuẩn mực.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, luật phải xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ rõ ràng và phù hợp với quy tắc quốc tế, đảm bảo tính hợp hiến đồng bộ. Đối với chuẩn mực và tiêu chuẩn của kế toán trưởng, cần cố gắng đưa vào luật.
P.Thảo