Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nghị viện thế giới

Thái Anh

(Dân trí) - Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tối 19/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác đa phương vì sự phát triển bền vững chung.

Tối 19/8 theo giờ Hà Nội, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên hợp quốc và Quốc hội Cộng hòa Áo tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 với chủ đề “Sự lãnh đạo của Nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên khai mạc và phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nghị viện thế giới - 1
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Nghị viện thế giới diễn ra 2 ngày 19, 20/8/2020.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho biết, Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống nhưng nó cũng tạo ra cơ hội để hướng tới đích đến chung là phục hồi và tái thiết mạnh mẽ hơn, có được tương lai tươi đẹp hơn.

Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế đã biến thành khủng hoảng về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống của tất cả người dân. Các nước đều có các hành động để giải quyết khủng hoảng nhưng vẫn còn những hệ lụy to lớn đối với tương lai của nền kinh tế khi mà dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.

Theo Oxfam, khoảng nửa tỉ người rơi vào cảnh đói nghèo do tác động của khủng hoảng Covid-19 và đằng sau câu chuyện của đói nghèo là hàng tỉ người buộc phải rời bỏ nhà cửa, trở thành những người di cư.

Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho rằng, thực trạng này đòi hỏi các đại biểu cần phải lắng nghe mong mỏi của người dân và theo sát họ. Quốc hội cần biến các thỏa thuận quốc tế trở thành hiện thực vì Quốc hội là cơ quan bảo vệ người dân.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng bày tỏ quan ngại đối với khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra khi mà có hơn 700.000 người thiệt mạng và con số này ngày một gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Trước khi đại dịch xảy ra, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường, sự bất bình đẳng, y tế công cộng không đầy đủ… Tuy nhiên, đại dịch này cũng chỉ làm lộ rõ thêm những lỗ hổng và mảng tối trong xã hội. Do đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng cần biến quá trình phục hồi trở thành cơ hội để chỉnh sửa những sai lầm trước đây, để giúp xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đề xuất 6 vấn đề mà các quốc gia cần quan tâm thực hiện. Theo đó cần xây dựng xã hội tiến bộ hơn, tạo ra việc làm xanh, phát triển bền vững; biến đổi những ngành công nghiệp phù hợp với thỏa thuận về biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nghị viện thế giới - 2
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, trong đó các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt, nhất là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội.

“Những thách thức này cho thấy hơn bao giờ hết, chủ nghĩa đa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, gia tăng nguồn lực quốc gia, phát huy sức mạnh tập thể nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước những vấn đề mang tính toàn cầu” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Để tăng cường hiệu quả trong hợp tác đa phương, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho rằng, cần thiết phải xây dựng các cơ chế chặt chẽ gắn trách nhiệm quốc gia với trách nhiệm quốc tế. Nghị viện các nước cần tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể tại các diễn đàn đa phương với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự toàn cầu.

Các thể chế, cơ chế hợp tác đa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng lợi ích chung của các thành viên.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, ngoại giao nghị viện đa phương sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin, mở rộng hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác vì một nền hòa bình bền vững và sự thịnh vượng cho tất cả.