1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch Quốc hội: Đỡ lo hơn về bô xít Tây Nguyên

(Dân trí) - Báo cáo giám sát về dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên không lạc quan hơn dù vấn đề bùn đỏ, đường vận chuyển bô xít đã được giải quyết. Hi vọng mới nhất nằm ở việc sản xuất sắt từ bùn đỏ…

Sáng 17/5, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát hiệu quả tổng thể kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh do UB Kinh tế thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội. Báo cáo giám sát đưa ra nhận định, dự án có mang lại hiệu quả kinh tế nhưng hiệu quả thấp.

Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng thống nhất đánh giá, dự án có hiệu quả kinh tế nhưng không cao. Chỉ số hiệu suất IR chỉ cao hơn tỷ suất chiết khấu không nhiều, ở dự án Tân Rai là 0,72% và Nhân Cơ là 0,25%.

Ông Hưng cho biết một diễn biến mới là Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công mô hình xử lý bùn đỏ để sản xuất sắt. Qua thử nghiệm mẻ xử lý 240 tấn bùn đỏ khô đã thu được tinh quặng sắt hàm lượng 62% phục vụ sản xuất thép. Từ 2,4 tấn bùn đỏ khô sẽ thu được 1 tấn tinh quặng sắt (giá 1,9 triệu đồng tấn trong khi chi phí sản xuất 290.000 đ/tấn). Dự kiến các thử nghiệm sẽ hoàn thành để triển khai trên thực tế thừ tháng 6/2014. Hướng nghiên cứu mới này mở ra cách thức xử lý cơ bản, triệt để bùn đỏ, đảm bảo an toàn đối với môi trường.
Chủ tịch Quốc hội: Đỡ lo hơn về bô xít Tây Nguyên
Mẫu sắt thành phẩm thu được từ phế thải bùn đỏ của nhà máy Tân Rai được đưa đến để các ủy viên UB Thường vụ QH "mục sở thị".

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt một loạt câu hỏi. Trước hết, bà Mai muốn biết thời điểm cụ thể TKV có thể làm chủ được công nghệ sản xuất alumina để hoàn toàn tự vận hành được 2 nhà máy.

Bà Mai cũng tính toán, như báo cáo, ngoài trữ lượng tài nguyên là yếu tố duy nhất thuận lợi trong dự án bô xít thì 6 yếu tố khác như giá điện để sản xuất, thị trường, giá bán sản phẩm… đều chưa thuận lợi trong tình hình hiện nay. Vậy đến khi nào có thể có đủ cả 7 yếu tố để dự án có thể mang lại hiệu quả?

Đề cập riêng vấn đề đường vận chuyển bô xít, bà Mai cho biết, hiện tuyến đường Lâm Đồng đi TPHCM đang hư hỏng rất nghiêm trọng. Chuyến công tác thực tế vừa qua Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đã chứng kiến sự quan ngại của tuyến huyết mạch giao thông vùng này, nhất là vấn đề khó khăn cho hiệu quả kinh tế xã hội, đời sống người dân địa phương trong vùng khai thác bô xít.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ý vui mừng với thông tin về kết quả nghiên cứu làm ra sắt từ bùn đỏ thải loại trong quá trình sản xuất alumina. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nghi ngại về khả năng triển khai từ thử nghiệm khoa học sang việc tổ chức sản xuất trong thực tế.

“Nói thật nghe thông tin này tôi mừng lắm, so với sự lo lắng khi dự án trình ra xin Quốc hội chủ trương thực hiện. Lo trước hết chưa phải về hiệu quả kinh tế mà sợ bùn đỏ gây ra các vấn đề với môi trường, nhất là khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ xảy ra ở Hungari. Nay Bộ Công thương nói từ bùn đỏ làm ra được sản phẩm mới là đỡ được một mối lo” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Không làm bô xít, không giải quyết được vấn đề gì ở Tây Nguyên (?!)

Trả lời những thắc mắc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định 2 dự án Nhân Cơ,  Tân Rai đang thực hiện đúng theo chủ trương để đảm bảo có hiệu quả, mang lại tác dụng lan tỏa bước đầu. Dù trong điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, không thuận lợi cho tiêu thụ alumina và thực hiện theo những dự báo bảo thủ nhất thì dự án cũng có hiệu quả nhưng hiệu quả không cao.

Ông Hải tính toán, theo dự báo, đến 2018 giá alumina sẽ lên đến  mức 400 USD/tấn (cao hơn mức 341 USD đưa ra trong báo cáo giám sát), hiệu quả kinh tế của dự án sẽ rõ ràng hơn. Việc xác định dự án phải lỗ trong ít nhất 4-5 năm đầu, sau 12 năm mới thu hồi vốn, ông Hải giải thích, một dự án đầu tư lớn đến 700 triệu USD chắc chắn phải lỗ kế hoạch, không thể lãi ngay từ đầu. Tin mừng là thời gian lỗ kế hoạch sẽ giảm 1-2 năm tại mỗi dự án so với tính toán ban đầu.

Còn lo lắng về 7 yếu tố thuận hay không đối với dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải xác nhận là xác đáng nhưng các khó khăn cũng sẽ từng bước sẽ khắc phục được. Ví dụ giá điện, theo ông Hải, nếu khắc phục được vấn đề phân loại giá bán với từng đối tượng khách hàng khác nhau thì dự án sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn vì Tây Nguyên là vùng được đặc biệt ưu đãi.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định dự án bô xít có hiệu quả nhưng không cao.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định dự án bô xít có hiệu quả nhưng không cao.

Chưa yên tâm, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, dự án đầu tư rất lớn, chủ yếu lại là vốn vay. Nếu lấy mức giá 400 USD/ tấn để tính thì so với tổng mức đầu tư 15-16 ngàn tỷ đồng bỏ ra mà mỗi năm chỉ bán sản phẩm được 7-8 ngàn tỷ đồng, hiệu suất trên vốn là rất thấp.

Ngoài ra, ông Hiển cũng chỉ rõ, chi phí vận tải không thể giảm hơn, nếu không muốn nói phải đầu tư lớn thêm nữa, giá điện cũng không thể rẻ đi. Hơn nữa, khai thác tài nguyên của đất nước, theo ông Hiển, không thể đòi hỏi hưởng điện giá rẻ, thuế tài nguyên cũng không thể ưu đãi như hiện nay để đảm bảo bình đẳng với các lĩnh vực sản xuất khác.

“Thứ ta có nhiều là 11 tỷ tấn bô xít thì thế giới lại không dùng nhiều, nhu cầu tiêu thụ mỗi năm chỉ khoảng 9 triệu tấn alumina” – ông Hiển băn khoăn, làm được nhiều sản phẩm hơn nữa thì lại khó tính khâu thị trường tiêu thụ.

Về tác động môi trường của dự án đối với Tây Nguyên, Phó Thủ tướng quả quyết, sau sự cố tại Hungari, dự án phải chậm lại 2 năm để làm thêm thiết kể, đảm bảo an toàn hồ chứa bùn đỏ. Hiện tại, tiêu chí an toàn với hồ chứa ở Tân Rai thậm chí được đánh giá là… thừa. Theo đó, có những ý kiến cho rằng nên hạ tiêu chuẩn thiết kế hồ với dự án Nhân Cơ để tiết kiệm chi phí nhưng Chính phủ đã quyết định tiếp tục làm theo phương án cao.

Ngoài ra, ông Hải thông tin, một hồ chứa thứ 3 cũng được quyết định xây dựng để đề phòng biến đổi khí hậu, có mưa cực đoan ở Tây Nguyên như diễn biến đối với miền Trung 2 năm qua.

Về đường sá, do tìm được nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng thế giới WB với quốc lộ 20, 50 nên theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đường vận chuyển bô xít đến giờ cũng không còn là vấn đề đáng lo. Chuyện cần tính là tương lai khi quy mô các nhà máy nâng lên gấp đôi để tăng hiệu quả sản xuất nhưng sẽ phải đầu tư thêm cho đường sá hoặc làm đường sắt. Khi đó, chi phí đầu tư hạ tầng giao thông sẽ tính cho cả tuyến vận tải hàng hóa cơ bản của Tây Nguyên, không chỉ dành cho bô xít.  

“Làm bô xít đặt ra nhiều vấn đề nhưng nếu không làm bô xít thì cũng không giải quyết được tất cả những vấn đề về giao thông, hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội cho Tây Nguyên” – ông Hải phân trần.

P.Thảo