Chủ tịch Quốc hội: Có thể nghiên cứu chính sách đặc thù cho Ninh Thuận
(Dân trí) - Chiều 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện Nghị quyết số 31.
Để thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 31 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, sau khi có Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Chương trình hành động, nghị quyết và kế hoạch triển khai thực hiện với 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 30 nhiệm vụ cụ thể.
Nhờ đó, hai năm (2019-2020), Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Hiện Ninh Thuận đang từng bước xây dựng, phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn, chiến lược vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đột phá với nhiều dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa được triển khai thực hiện.
Trao đổi tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ vấn đề trọng tâm. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội, giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với địa phương đánh giá căn cơ hơn những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn và những vấn đề đang đặt ra.
"Nếu cần thiết có thể nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đặc thù cho Ninh Thuận", ông Vương Đình Huệ nói và yêu cầu cần cố gắng làm sớm việc này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh Ninh Thuận về sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021; kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió đến hết ngày 31/3/2022…
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Với cơ chế giá điện mặt trời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, nhất là Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện mặt trời.
Chủ trương này đã bàn từ năm 2017, 2018 nhưng hiện vẫn chưa ban hành được cơ chế cụ thể. Trong khi, dự án có quy hoạch rồi mà không có cơ chế giá thì cũng không thể triển khai được.
Với nhóm chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho phép Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện theo đúng kết luận của Ban cán sự Đảng Chính phủ về Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Trong đó, giao Bộ Công thương sớm đề xuất với Chính phủ quyết định thời gian chấm dứt quy hoạch của các dự án Nhà máy điện hạt nhân, tạo điều kiện pháp lý cho tỉnh phê duyệt Đề án này; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phân bổ nguồn vốn thực hiện Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ đều đã có chủ trương phát triển nguồn điện khí thiên nhiên hóa lỏng. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát để thực hiện chủ trương tại hai nghị quyết này, cố gắng đưa vào kỳ quy hoạch sớm hơn.
Riêng vấn đề đầu tư lưới điện, nếu chuẩn bị kịp sẽ báo cáo Quốc hội để xem xét tại kỳ họp chuyên đề cuối năm nay.