Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sắp thăm chính thức Thái Lan

Nguyễn Hoàng

(Dân trí) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sắp thăm chính thức Thái Lan - 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 16-19/11.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (18 - 19/11), Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (18/11), Đối thoại không chính thức và ăn trưa làm việc giữa các nhà Lãnh đạo APEC với Khách mời (18/11) và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (17/11).

Diễn đàn APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tại Hội nghị liên Bộ trưởng (HNBT) Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10, ngày 15/11/1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia; đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong 24 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. 

Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp của chúng ta đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC. Đặc biệt, trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.

Trong năm 2022, Việt Nam đã tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Chủ nhà Thái Lan, các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC duy trì nguyên tắc thương mại - đầu tư tự do và mở của Diễn đàn, thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn, bảo đảm thành công của Năm APEC 2022; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC năm 2022; thúc đẩy đoàn kết và để cao vai trò của ASEAN.

Các Bộ, ngành của Việt Nam tiếp tục tranh thủ tốt các nguồn lực của APEC nhằm nâng cao năng lực; chủ trì hoặc đồng chủ trì với một số thành viên các dự án về kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải cứng đại dương, thương mại điện tử, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, y tế biển, kết nối chuỗi cung ứng tự cường, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tuần lễ cấp cao APEC 2022

Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan từ 14 - 19/11/2022.

Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (HNCC) lần thứ 29 gồm 02 Phiên họp kín với chủ đề "Tăng trưởng Cân bằng, Bao trùm và Bền vững" và "Thương mại và Đầu tư bền vững".

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế (HNBT) lần thứ 33 gồm 02 phiên họp với chủ đề về "Tăng trưởng Cân bằng, Bao trùm và Bền vững" và "Thương mại và Đầu tư rộng mở và bền vững".