Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Nga, Thụy Sỹ
(Dân trí) - Khoảng 23h30 hôm nay (25/11), chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Liên bang Nga và Thụy Sỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ và Liên bang Nga từ ngày 25/11-2/12.
Tháp tùng Chủ tịch nước và phu nhân trong chuyến đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt…
Điểm đến đầu tiên trong chuyến công du này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Thụy Sỹ - quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1971.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu, đồng thời tạo thế đan xen lợi ích, tăng độ tin cậy; nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong các thể chế đa phương.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu luôn gần gấp 1,5-2 lần xuất khẩu, ngoại trừ năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Thụy Sỹ là 2,28 tỷ USD do Thụy Sỹ nhập khẩu đột biến mặt hàng vàng và kim loại quý từ Việt Nam. Đây cũng là mặt hàng khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ biến động tương đối lớn qua các năm.
Tính đến tháng 5 năm 2021, Thụy Sỹ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Ngay sau chuyến thăm Thụy Sỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ lên đường thăm Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin.
Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/01/1950. Năm 1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Năm 2001, Việt Nam và Nga ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.
Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ARF, CICA... Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).
Trao đổi thương mại Việt - Nga phát triển tích cực thời gian qua. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt gần 4,85 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 2,85 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2 tỷ USD. Kim ngạch thương mại trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 3,6 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến tháng 4 năm 2021, Nga đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 144 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 944 triệu USD.