Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: "Chúng ta phải làm phần mềm thực sự sống"

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu như vậy tại buổi lễ Khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung của thành phố diễn ra chiều 9/2.

Chiều 9/2, UBND TP Hà Nội tổ chức khai trương các hệ thống thông tin dùng chung của thành phố.

"Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương của Thành ủy Hà Nội về công tác chuyển đổi số", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Chúng ta phải làm phần mềm thực sự sống - 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (Ảnh: TK)

Tiền đề hình thành chính quyền số, khắc phục nhiều hạn chế

Theo ông Trần Sỹ Thanh, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng với quyết tâm cao, cùng với sự đồng hành, hợp tác của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), thành phố Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành khai thác sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố.

Đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố Hà Nội.

Hệ thống thông tin dùng chung thành phố Hà Nội nhằm hướng tới mục tiêu trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ hiệu quả.

"Đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị trong nội bộ thành phố cũng như việc kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, Trung ương. Khắc phục tình trạng mỗi cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng một hệ thống riêng, thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu, gây lãng phí thời gian, chi phí đầu tư và vận hành hệ thống", Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay.

Hơn nữa, theo ông Thanh, đây là nền tảng cốt lõi để xây dựng nền hành chính Thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Văn phòng UBND thành phố thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm tự động hóa tối đa quy trình xử lý công việc, tổng hợp báo cáo, tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo), bóc tách dữ liệu,… để giúp hệ thống trở nên thông minh hơn.

Đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố giao. "Coi đây là một trong các tiêu chí để đánh giá thi đua khen thưởng và quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ", ông Thanh nêu rõ.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phải phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND thành phố triển khai các hệ thống thông tin dùng chung đảm bảo chất lượng, hiệu quả và nghiêm túc.  

"Xây một cái trung tâm thương mại khó hơn xây một cái chợ… Có nghĩa là chúng ta phải làm phần mềm thực sự sống chứ không phải "xây" ra để đấy", Chủ tịch Hà Nội yêu cầu.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Chúng ta phải làm phần mềm thực sự sống - 2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đại diện các bộ ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghi thức khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố Hà Nội.

Tiết kiệm số tiền lớn

Đối với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, UBND thành phố Hà Nội cho biết đến giữa tháng 1/2023 đã có 633 cơ quan, đơn vị (23 sở, ban, ngành; 30 quận huyện và 579 xã, phường, thị trấn) tham gia triển khai. Đã tổ chức khởi tạo và bàn giao 31.345 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc.

Số lượng văn bản được cập nhật lên hệ thống trên 96.000 văn bản. Trong đó một số đơn vị tham gia tích cực trong việc khai thác sử dụng hệ thống gồm: UBND quận Nam Từ Liêm, UBND quận Đống Đa, Sở GTVT.

Đối với Hệ thống thông tin báo cáo thành phố, đã có 633 cơ quan, đơn vị tham gia triển khai; tổ chức khởi tạo và bàn giao 3.345 tài khoản cho đại diện các cơ quan, đơn vị.

Phần mềm quản lý cuộc họp của Hà Nội sau 4 tháng triển khai đã giúp đổi mới phương thức làm việc tại các cuộc họp từ chủ yếu dựa trên văn bản giấy sang phương thức làm việc trên môi trường mạng, sử dụng văn bản điện tử. Qua đó tiết kiệm thời gian, giảm giấy tờ, giảm chi phí và nâng cao chất lượng các cuộc họp.

Cụ thể đã gửi 409 giấy mời họp thông qua ứng dụng (ước tiết kiệm được 150 triệu đồng/tháng so với việc gửi tin nhắn qua SMS theo phương thức truyền thống); tổ chức cập nhật hơn 812 file tài liệu, văn bản điện tử thay cho việc in ấn, sao chụp tài liệu giấy (tiết kiệm trên 300 triệu đồng/tháng). Đồng thời thiết lập và hình thành được hệ cơ sở dữ liệu phục vụ việc xác thực, điểm danh khuôn mặt các đại biểu tham gia các cuộc họp tại trụ sở UBND thành phố.

Trong khi đó, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho hay, thông qua ứng dụng Zalo, người dân, doanh nghiệp đã có thể dễ dàng thực hiện góp ý, phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Hơn 7 triệu tài khoản Zalo của người dân Thủ đô đã biết và khai thác sử dụng ứng hệ thống này.

"Hàng ngày tôi nhận được nhiều tin nhắn phản ánh của người dân"

"Hàng ngày tôi nhận nhiều tin nhắn phản ánh của người dân. Tôi đã phải chuyển thẳng qua tin nhắn cho Chủ tịch các quận, huyện hoặc gửi qua thư ký để xử lý.

Giờ nên lập nhóm Zalo giữa lãnh đạo thành phố với chủ tịch 30 quận, huyện, thị xã để thường xuyên có sự trao đổi thông tin, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và xử lý kiến nghị của người dân với nhau cho kịp thời", ông Trần Sỹ Thanh nói tại buổi lễ.