Chủ tịch Hà Nội: “Không có lợi ích nhóm” trong việc làm nhà máy nước sông Đuống
(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định "không có lợi ích nhóm của ai ở nhà máy nước mặt sông Đuống". Theo ông Chung, nhà máy này có 4 cổ đông góp vốn đầu tư.
Chiều ngày 15/11, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND khóa XV. Tại đây, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội làm rõ vấn đề quản lý nguồn nước sạch. Vấn đề được đặt ra cấp thiết với vụ ô nhiễm nước mặt sông Đà và vụ lùm xùm về giá nước mặt sông Đuống.
Phát biểu tại hội nghị, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội nói về tầm quan trọng của nước sạch đối với cuộc sống. Theo ông Toán, sinh hoạt hàng ngày, thiếu ăn một bữa thì nhịn được, nhưng thiếu nước một ngày thì không ai chịu được, vì 70% cơ thể là nước.
Ông Toán cho biết, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội diễn ra nhanh chóng, nhiều nhà cao tầng mọc lên, dân số tăng vọt, nhu cầu nước sạch là vấn đặc biệt quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu nước sạch, thành phố kêu gọi nhà đầu tư tư nhân vào xây dựng nhà máy nước để kinh danh.
“Song điều khiến cử tri thất vọng là nhà máy nước sạch sông Đà từ khi đưa vào sử dụng thì hết chuyện vỡ đường ống lại tới nhiễm bẩn. Còn nước mặt sông Đuống có giá cao khiến người dân dùng nước của nhà máy băn khoăn, nghi ngờ”, cử tri Toán nói.
Qua vụ việc liên quan đến nhà máy nước sạch sông Đà, sông Đuống, cử tri muốn Chủ tịch UBND Hà Nội làm rõ vấn đề về công tác quản lý nước sạch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là thông tin về hai nhà máy này.
“Tránh để người dân bàn tán vì lợi ích nhóm mà "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" cũng như đảm bảo không tiếp tục xảy ra các sự cố về nguồn nước, cử tri muốn biết ai phải chịu trách nhiệm trong các sự việc”, cử tri Toán nói.
Về nhà máy nước mặt sông Đà, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả điều tra của Công an Hòa Bình cho thấy không ai thuê mướn các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của nhà máy nước sạch sông Đà.
Ông Chung xác nhận, chưa có sự phối hợp tốt giữa đơn vị liên quan của TP Hà Nội với tỉnh Hòa Bình trong việc giám sát nhà máy nước sạch sông Đà.
Đề cập đến nhà máy nước mặt sông Đuống, ông Chung cho biết, có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác.
“Aqua One là doanh nghiệp chỗ của chị Liên mà báo chí phản ánh vừa qua. Đây là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An. Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy này. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây cả!”, ông Chung khẳng định.
Ngoài ra, ông Chung cũng đưa ra thông tin, vừa qua, một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Công ty nước mặt sông Đuống. “Vừa qua quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, họ bán mấy tháng rồi, chứ không phải bây giờ”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường, nên khuyến khích. “Thực tế nên nhìn nhận là môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội phải thế nào thì nhà đầu tư mới vào đầu tư. Còn tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Châu Á”, ông Chung nói thêm.
Quang Phong