Chủ tịch Hà Nội: Đến 13/8 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng mới yên tâm
(Dân trí) - “Từ ngày 28/7, Đà Nẵng đóng cửa, như vậy nếu đến 13/8, Hà Nội không phát hiện thêm trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng thì mới yên tâm được!”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.
Chiều 3/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Báo cáo tại đây, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến nay TP đã ghi nhận 88.289 người về từ Đà Nẵng. Lực lượng y tế đã xét nghiệm nhanh cho 70.689 trường hợp, ghi nhận 12 trường hợp có kết quả dương tính. Tất cả các trường hợp test nhanh dương tính đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả toàn bộ 12/12 trường hợp âm tính.
“TP đã xuất toàn bộ các bộ test nhanh cho các quận huyện, trong khi đó số người rà soát đi về từ Đà Nẵng đã lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, đối với các trường hợp đã khai báo y tế nhưng chưa được xét nghiệm, người dân hãy tự theo dõi sức khỏe, nếu có bất kỳ có biểu hiện bất thường nào liên quan đến hô hấp như sốt, ho, khó thở thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra, đặc biệt là đối với các trường hợp đi qua các vùng dịch mà Bộ Y tế đã khuyến cáo”, ông Hiền nói.
Đối với 2 trường hợp mắc mới tại cộng đồng tại Hà Nội là BN 447 và BN 459, đến nay các quận, huyện đã xác minh được 130 trường hợp F1 đưa đi cách ly tập trung và đều được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, TP Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước, số ca mắc tăng nhanh trong tuần với 118 ca mắc trong cộng đồng được ghi nhận trên 175 số ca mắc trên toàn quốc. Từ ổ dịch Đà Nẵng đã lan ra 8 tỉnh/TP khác trong đó có Hà Nội.
Ước tính từ 1/7 đến nay có trên 1,4 triệu người đến Đà nẵng thời gian qua, riêng tâm dịch lớn nhất là cụm Bệnh viện tại Đà Nẵng có 800.000 người qua lại và có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh. Hà Nội có lượng người đến Đà Nẵng rất đông nên có thể tiếp tục xuất hiện ca bệnh mới liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng.
“Thông tin của Bộ Y tế kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng virus mới xâm nhập, tỷ lệ lây nhiễm cao gấp 3 lần các chủng Covid-19 đã lưu hành tại Việt Nam, nên nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng rất lớn nếu không kiểm soát tốt”, ông Hiền cho hay.
Tại buổi họp các quận huyện cho biết, qua rà soát số người về từ Đà Nẵng tiếp tục tăng lên. Cụ thể, quận Nam Từ Liêm phản ánh còn 1.291 trường hợp đi về từ Đà Nẵng đang chờ test nhanh do hết kit xét nghiệm. Quận Cầu Giấy còn 1.700 công dân chưa được xét nghiệm; quận Tây Hồ báo cáo đang thiếu 400 kit test nhanh Covid-19… Trong lúc đang hết kit xét nghiệm, lãnh đạo các quận này để nghị TP có hướng dẫn cụ thể người dân về việc tự theo dõi sức khỏe, tránh việc người dân thắc mắc về việc không được xét nghiệm.
Ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho biết, ngày 2/8 có phát hiện ca nhiễm mới ở Hà Nam, sau khi truy vết được biết bệnh nhân có đi xe của nhà xe Kim Chi đã về đỗ tại bến xe Nước Ngầm. CDC Hà Nội đang phối hợp với CDC Hà Nam và các tỉnh khác để điều tra, xác minh khẳng định lại và thông tin chính thức. “Nếu thông tin đúng như vậy thì nguy cơ lây nhiễm của Hà Nội là rất lớn”, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội nói.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhắc lại tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và cho biết: “Biến thể mới của virus ở Việt Nam trong giai đoạn 3 có đột biến gien. Theo thông tin của Bộ KHCN đây là chủng virus giống như ở Bangladesh”.
Ông Chung cho biết, theo nhận định của các chuyên gia biến thể virus lần này rất nguy hiểm, dễ lây lan, có nhiều trường hợp bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng. Nhiều ca lây nhiễm 2-3 ngày khi làm xét nghiệm PCR đều cho kết quả âm tính, nhưng sau 11 đến 12 ngày thì lại cho kết quả dương tính.
“Từ ngày 28/7, Đà Nẵng đóng cửa, như vậy đến ngày 12 và 13/8, Hà Nội không phát hiện thêm trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng thì mới yên tâm được”, ông Chung nói.
Ông Chung nhấn mạnh giai đoạn từ nay đến ngày 12/8 sẽ là đợt cao điểm có nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội. Theo đó, ông Chung yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội sẽ tổ chức họp mỗi ngày một lần để đôn đốc công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Chủ tịch Hà Nội cũng quán triệt tinh thần chỉ đạo phòng chống dịch của Thủ tướng là “quyết liệt, không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, lo lắng”; “vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế”; “mỗi gia đình là 1 pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ”, huy động sức dân, ý thức tự giác của người dân để chống dịch…