Hà Tĩnh:
Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su dùng nhiều bằng giả
(Dân trí) - Thời gian qua, dư luận đã tố cáo ông Nguyễn Việt Hùng, Ủy viên BCH ngành Cao su Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công đoàn Công ty Cao su Hà Tĩnh sử dụng bằng THPT, Đại học giả. Qua điều tra, đây là những tố cáo có cơ sở.
Làm khống hai bằng cấp?!
Theo nội dung tố cáo của những người có trách nhiệm chống tiêu cực thì ông Nguyễn Việt Hùng (sinh ngày 21/8/1964, tại Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh) dù không hề theo học tại trường Đại học Nông lâm Huế nhưng vẫn sở hữu tấm bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy do trường Đại học nói trên cấp ngày 20/4/1992, chuyên ngành Trồng trọt và được xếp loại trung bình.
Cũng theo đơn thư tố cáo nói trên, trước đó, để hợp thức hóa tấm bằng Đại học Nông lâm Huế, ông Nguyễn Việt Hùng đã khai khống bằng tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp năm 1982, tại Hội đồng thi Kỳ Anh dù vị cán bộ này mới chỉ học hết lớp 7!
Sau khi có được những văn bằng nói trên, ông Hùng đã dễ dàng chuyển từ cán bộ xã Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh) sang Công ty Cao su Hà Tĩnh vào năm 1999 và lần lượt thăng chức từ Trưởng phòng Thanh tra bảo vệ lên Phó Bí thử Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty, cao hơn là Ủy viên BCH ngành Cao su Việt Nam.
Đặc biệt, những văn bằng nói trên hiện đang giúp ông Hùng có cơ hội theo học lớp Kinh tế Luật của Viện Đại học mở Hà Nội (đào tạo từ xa tại trường Cao đẳng Việt Đức - Hà Tĩnh - PV).
Lộ diện những tấm bằng khống!
Trước yêu cầu làm rõ những khuất tất về bằng cấp của ông Nguyễn Việt Hùng, PV Dân trí đã vào cuộc và bước đầu hé mở những tố cáo về sự gian dối bằng cấp của vị cán bộ này là hoàn toàn có thật.
Những dấu hiệu đầu tiên vạch rõ sự gian dối của ông Hùng đó là mâu thuẫn về lời khai trong các hồ sơ theo học tại một số lớp “cấp cao” mà vị cán bộ này đã và đang theo học.
Tại hồ sơ theo học lớp Kinh tế Luật của Viện Đại học mở Hà Nội, vị cán bộ này kèm Bằng tốt nghiệp cử nhân hệ chính quy tốt nghiệp năm 1991, chuyên ngành Trồng trọt, do trường Đại học Nông lâm Huế cấp ngày 20/4/1992.
Thế nhưng, trong hồ sơ nộp lưu chiểu tại trường Chính trị Trần Phú (Hà Tĩnh), ông Hùng lại khai: từ tháng 3/1985 đến tháng 11/1989: đi bộ đội; từ tháng 2/1989 đến tháng 1/1991: Đảng uỷ viên, Bí thư đoàn xã Kỳ Hợp; từ tháng 4/1991 đến tháng 12/1995: Phó Bí thư Đảng uỷ xã Kỳ Hợp...”.
Như vậy, có thể khẳng định, trong giai đoạn từ 1985 đến 1991 ông Hùng không thể theo học và tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, vì ông này đang bận đi nghĩa vụ quân sự và sau đấy là công tác tại địa phương!
Vấn đề là, ai đã tiếp tay cho những việc làm sai trái của vị cán bộ này? Và sai phạm này của ông Nguyễn Việt Hùng liệu có bị xử lý nghiêm?
Văn Dũng