Chủ tịch Cà Mau đặt hàng loạt câu hỏi về nhà máy rác duy nhất của tỉnh
(Dân trí) - Liên quan đến Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vừa qua phải ngừng hoạt động một thời gian và bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, đây là điểm nhạy cảm, điểm nóng, bởi cả tỉnh chỉ có duy nhất một nhà máy xử lý rác.
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Cà Mau diễn ra từ ngày 10-12/7, xung quanh hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- ông Nguyễn Tiến Hải thông tin, nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2012; được xây dựng theo chính sách của nhà nước lúc đó là ưu đãi đầu tư (nhà nước hỗ trợ 50% vốn, 50% vốn của nhà đầu tư).
Công suất xử lý của nhà máy là 200 tấn rác/ngày, trong khi lượng rác của cả tỉnh khoảng 100 tấn rác/ngày, đêm. Cho nên lượng rác đưa về nhà máy xử lý chưa hết công suất.
Chủ tịch Cà Mau khái quát, công nghệ xử lý của nhà máy là phân loại rác, trong đó rác hữu cơ được đưa vào sản xuất thành phân compost; còn nhựa, bọc (chủ yếu nilon) thì sử dụng tái chế thành hạt nhựa và đốt lấy dầu, dùng dầu tạo ra nhiệt để sấy phân. Tỷ lệ chôn lấp rác là dưới 10%.
Tuy nhiên, nhà máy hoạt động một thời gian thì xuống cấp, hư hỏng rất nhanh. Nhà đầu tư xin dừng hoạt động và đề nghị UBND tỉnh cho ứng từ nguồn tiền hỗ trợ xử lý rác 20 tỷ đồng để duy tu, nâng cấp lần thứ nhất.
Nhà máy hoạt động đến cuối năm 2017, qua năm 2018 thì lại xin dừng, tiếp tục đề nghị ứng tiền và tỉnh cho ứng 25 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp lần thứ 2. “Nhà đầu tư đề nghị cho nhà máy ngưng hoạt động 3 tháng nhưng trên thực tế là tới 6 tháng, sau đó mới hoạt động trở lại”, ông Nguyễn Tiến Hải thông tin.
Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) ít nhất đã 2 lần ngưng hoạt động để duy tu, sửa chữa.
Theo Chủ tịch Cà Mau, vừa qua chủ đầu tư nhà máy rác có báo cáo và đề nghị nhiều lần với tỉnh về việc nâng tiền hỗ trợ xử lý rác, cho thuê thêm đất để đầu tư hệ thống xử lý nước thải,...
"Chúng tôi được biết phân compost sản xuất nhưng không bán được. Còn sản xuất hạt nhựa thì hầu như không làm được bao nhiêu, lý do nhà máy rác đưa ra là do nhựa, nilon trong rác đã bị những người thu gom phế liệu nhặt hết, không còn bao nhiêu. Cho nên không đủ bù đắp chi phí”, ông Nguyễn Tiến Hải nói.
Chủ tịch Cà Mau nêu quan điểm, việc hỗ trợ tiền xử lý rác ở mức nào cho đúng theo quy định thì phải kiểm tra, tính toán kỹ. UBND tỉnh đang xem xét thận trọng những đề nghị này.
Rác trong Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau được thu gom từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Chủ tịch Cà Mau cũng cho biết, xoay quanh tiền hỗ trợ xử lý rác, đầu tư, công nghệ,... cần phải có đánh giá toàn diện. “Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, nhưng sự phối hợp của doanh nghiệp chưa tốt nên làm chưa đến nơi đến chốn”, ông Hải nói thẳng.
Theo Chủ tịch Cà Mau, gần đây nhất, UBND tỉnh thấy cần phải làm chặt chẽ, chính Chủ tịch tỉnh đã ký quyết định thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện, để đi đến kết luận việc đầu tư, hồ sơ sổ sách thế nào, công nghệ có đảm bảo yêu cầu về môi trường như dự án ban đầu được duyệt hay không, tỉ lệ rác chôn lấp có phải dưới 10% không, lò đốt có đảm bảo không, khí thải phát ra từ lò đốt có đảm bảo vấn đề môi trường không, ảnh hưởng đến người dân xung quanh không, vấn đề đất đai sử dụng như thế nào, chi phí xử lý cho một tấn rác là bao nhiêu,...?
"Tất cả những cái này phải kiểm tra lại hết. Đến nay Trưởng đoàn kiểm tra đã báo cáo là kiểm tra xong rồi, hiện đang chờ kết quả phân tích của các ngành chuyên môn, trong đó có ngành môi trường như về mẫu rác, nước, khí,... mới kết luận được.
Từ kết luận đó, UBND tỉnh sẽ có xem xét xử lý toàn diện, phù hợp, đúng quy định pháp luật, không vì bất cứ lý do gì để mà xử lý không đúng”, Chủ tịch Cà Mau khẳng định.
Huỳnh Hải