1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch Bạc Liêu: “Bão vào, tốn kém cực khổ cỡ nào cũng phải di dân”

(Dân trí) - “Do tập quán của người dân trong này thường sống ở ven sông, mé biển, xây nhà ít kiên cố nên kinh nghiệm ứng phó với bão còn kém...”, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu- ông Dương Thành Trung đánh giá.

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu trong công tác PCTT trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Chủ tịch Bạc Liêu: “Bão vào, tốn kém cực khổ cỡ nào cũng phải di dân” - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- ông Dương Thành Trung đã kiến nghị nhiều vấn đề đến Trung ương hỗ trợ tỉnh này trong công tác PCTT hiệu quả.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh này có bờ biển dài 56km nên rất dễ bị tác động trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới đến từ biển Đông. Đặc biệt, trên đất liền thường xuyên xuất hiện nhiều loại hình thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ở khu vực tỉnh Bạc Liêu nhanh hơn so với các dự báo trước đây; đặc biệt, hiện tượng triều cường bất thường đã xuất hiện trong các năm gần đây (từ 2009 đến nay) gây thiệt hại rất lớn và làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân.

Qua thống kê, trong các năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu thường xuất hiện 11 loại thiên tai với các cấp độ rủi ro khác nhau, gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, triều cường, mưa trái mùa, gió mạnh trên biển.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên đất liền, các loại hình thiên tai đã làm thiệt hại: 1 người chết (do sét đánh), 13 người bị thương (do lốc xoáy), hơn 290 căn nhà sập và tốc mái, gần 14.300 ha diện tích lúa sập và ngập úng,... với tổng thiệt hại trên 17 tỷ đồng; trên biển đã xảy ra 5 vụ tai nạn/5 phương tiện/11 thuyền viên, làm 1 người mất tích, 4 phương tiện hư hỏng,…

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2015 - 2016, tỉnh này đã có đưa ra phương án PCTT, bão mạnh, siêu bão để chủ động trong công tác ứng phó.

“Nếu bão có nguy cơ đổ bộ trực tiếp vào khu vực tỉnh thì tổng số hộ dân cần sơ tán là hơn 85.800 hộ, với trên 365.750 người; số địa điểm sơ tán dân hơn 31.680 điểm; lực lượng phục vụ sơ tán dân là hơn 12.000 người, trên 24.500 phương tiện, 1.830 tuyến giao thông, hơn 1.140 tàu thuyền trên biển,…”, thống kê của Ban chỉ huy PCTT tỉnh Bạc Liêu thông tin.

Chủ tịch Bạc Liêu: “Bão vào, tốn kém cực khổ cỡ nào cũng phải di dân” - 2

Một nhà dân bị lốc xoáy làm hư hại xảy ra trên địa bàn huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) vừa qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- ông Dương Thành Trung đánh giá, khi có bão, người dân trong này kinh nghiệm ứng phó còn kém vì từ trước nay rất ít bão. Bởi tập quán người dân thường sống theo dọc bờ sông, mé biển, xây dựng nhà cửa ít kiên cố chỉ cần cấp 5, 6 là hư hết, nên những cái này rất dễ bị tác động bởi thiên tai, thời tiết.

“Nên việc bão vào ở vùng này chúng tôi sợ lắm, vào một cái coi như là tan tác toàn bộ, không chỉ tài sản mà tính mạng cũng thiệt hại rất lớn”, ông Trung nói.

Vì thế, một trong những phương án tốt nhất mà Chủ tịch Bạc Liêu nhấn mạnh là nếu bão vào thì dù tốn kém, cực khổ cỡ nào cũng phải di dân khỏi vùng tâm bão.

Kiến nghị với đoàn công tác, UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất Trung ương tiếp tục bố trí kinh phí giúp tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kè phòng, chống xói lở bờ biển; hỗ trợ máy phát trực canh, máy định vị qua vệ tinh VINASAT cho tàu thuyền hoạt động trên địa bàn của tỉnh; trang bị cho tỉnh tàu cứu nạn có công suất lớn vì hiện nay; đề nghị có chương trình hỗ trợ cho người dân xây dựng nhà chống bão;…

Chủ tịch Bạc Liêu cũng kiến nghị đoàn công tác nghiên cứu thêm trong điều kiện phù sa về ít thì kịch bản này sẽ như thế nào, bởi nếu như phù sa càng ngày ít thêm thì tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển sẽ kinh khủng hơn.

Thiếu tướng Phạm Kim Hậu- Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu.

Kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu- Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, đã đánh giá cao công tác PCTT của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua.

Theo Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, các hiện tượng thiên tai ảnh hưởng đến Bạc Liêu thời gian qua ít thiệt hại về người, song làm thiệt hại rất lớn về công trình, phương tiện sản xuất, vật nuôi cây trồng. Vì vậy, việc chủ động ứng phó PCTT là đặc biệt quan trọng để giảm nhẹ thiệt hại.

Thiếu tướng Phạm Kim Hậu đề nghị trong ứng phó với thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; phải quan tâm làm tốt sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương với nhau; cần tăng cường công tác diễn tập để tránh bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra;...

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm