1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch ADB: Việt Nam đã giảm nghèo thành công

(Dân trí) - Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết: Việt Nam đã nhanh chóng giảm nghèo, cải thiện mức sống trong suốt hai thập kỷ qua và tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. ADB hoàn toàn ủng hộ nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam.

Chủ tịch ADB: Việt Nam đã giảm nghèo thành công - 1
Trao trâu của Dự án cho hộ nghèo 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải (ảnh: Báo Yên Bái).
 
Chiều 1/3, ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã có cuộc gặp gỡ báo chí, sau 3 ngày thăm Việt Nam trước thềm Hội nghị Thường niên Hội đồng Thống đốc của ADB sẽ diễn ra từ ngày 3 - 6/5 tới.
 
Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam. Khoảng 3.000 đại biểu, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng tài chính, các thống đốc ngân hàng trung ương và đại diện các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, các hãng thông tấn và các tổ chức xã hội tham dự, hội nghị sẽ bàn về những vấn đề phát triển hiện nay mà khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang phải đối mặt.
 
Đến thăm Việt Nam trước thềm hội nghị, ông Kuroda đã gặp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam là: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đồng thời là Chủ tọa Hội đồng Thống đốc của Hội nghị Thường niên của ADB năm nay.
 
Theo đánh giá của ông Haruhiko Kuroda, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á trong 20 năm qua nhờ vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và một khu vực tư nhân đang lớn mạnh.
 
Và một trong những thành tựu quan trọng nhất mà Việt Nam đã đạt được là tốc độ giảm đáng kể tỷ lệ nghèo - từ trên 58% vào năm 1993 xuống chỉ còn khoảng 10% vào cuối năm 2010; tất nhiên vẫn còn nhiều thách thức phía trước, trong đó có thách thức tránh "bẫy thu nhập trung bình". Và trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây rõ ràng đã đem lại một mức sống cao hơn cho người dân Việt Nam, nhưng vẫn còn hàng triệu người vẫn chưa tiếp cận được với các dịch vụ cần thiết.
 
“Tôi vui mừng ghi nhận Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với một gói kích thích kinh tế có hiệu quả, đồng thời rút lại các biện pháp kích thích một cách có hiệu quả tương đương vào cuối năm 2009. Vì vậy, Việt Nam đã phát triển tốt vào năm 2010 với tốc độ tăng trưởng là 6,8%.
 
Hợp tác và hội nhập khu vực đóng một vai trò đáng kể trong tốc độ phát triển nhanh của Việt Nam. Tôi muốn nhân cơ hội này để ca ngợi Chính phủ Việt Nam về vai trò mà Chính phủ đã thực hiện trong việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ sâu rộng hơn với các nước láng giềng, đặc biệt thông qua Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) do ADB hỗ trợ. Chương trình GMS đã trở thành một ví dụ cho hợp tác khu vực và Việt Nam là một đối tác tích cực”, Chủ tịch ADB nhấn mạnh.
 
Bên cạnh những thành tựu và triển vọng sáng lạn của Việt Nam trong tương lai trung, dài hạn, theo ADB, vẫn còn những thách thức đối với kinh tế vĩ mô của đất nước trong ngắn hạn. Cụ thể, Việt Nam cần theo dõi vấn đề lạm phát vì dự kiến giá cả hàng hóa toàn cầu sẽ tăng thêm trong năm nay.
 
Việc giảm lạm phát sẽ cần đến những nỗ lực phối hợp của Chính phủ trong việc thực hiện hiệu quả 6 nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô mới được công bố gần đây, những nỗ lực cần thiết để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
 
Việt Nam cũng cần phải tiếp tục những cải cách quan trọng, chẳng hạn như cải cách trong khu vực các doanh nghiệp nhà nước. Ngân hàng Phát triển Châu Á sẵn sàng tăng cường phối hợp với các đối tác phát triển khác để cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho Chính phủ Việt Nam.
 
An Hạ