1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ quyền biển, đảo trong tâm thức người Việt

<i>Pháp Luật TPHCM</i> đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, xoay quanh vấn đề “làm sao để phổ biến kiến thức về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đến với dân chúng một cách hiệu quả nhất”.

Cuộc trao đổi nhân dịp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại TPHCM.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói: “Phải có cách để những kiến thức liên quan đến chủ quyền biển, đảo đất nước không chỉ nằm trên những tấm bản đồ, tư liệu xơ cứng mà phải thấm sâu vào nhận thức, chảy trong huyết quản và trở thành tâm tình của mọi người dân. Có như thế mới tạo thành sức mạnh to lớn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước nhà”.

 

Phổ biến kiến thức chủ quyền rộng sâu hơn

 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các cuộc trưng bày lớn được tổ chức gần đây về chủ đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam?

 

Phải nói rằng đây là một bước tiến mạnh mẽ trong việc đưa những thông tin có liên quan về chủ quyền biển, đảo nước nhà đến với người dân. Cách đây chừng năm năm, ít người biết đến những tấm bản đồ, những tư liệu và các thông tin liên quan đến chủ quyền biển, đảo. Qua những cuộc triển lãm thế này, ta không chỉ cho người dân của mình biết đến những chứng cứ lịch sử, căn cứ pháp lý khẳng định một cách mạnh mẽ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam mà còn phổ biến chân lý của vấn đề, cái chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đang làm việc trong thư phòng của mình. (Ảnh: Minh Cường)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đang làm việc trong thư phòng của mình. (Ảnh: Minh Cường)

 

Theo ông, cần làm những gì nữa để phổ biến những kiến thức này đến với người dân?

 

Tôi nghĩ nên tổ chức nhiều hơn nữa những triển lãm như thế này và địa điểm triển lãm cần gần gũi hơn, làm sao để nhiều người được thoải mái đến xem và hiểu vấn đề cho tường tận hơn. Nhưng cái cần hướng đến hơn là việc phổ biến kiến thức ấy cần phải thẩm thấu vào từng con người. Muốn thế ta phải có một quá trình khoa học mà những sự kiện như bây giờ chỉ mới là bắt đầu. Cần đưa những kiến thức ấy vào trong sách giáo khoa: Từ người biên soạn sách đến những người sẽ giảng dạy cho học trò và sinh viên. Họ phải tường minh, phải thật sự thẩm thấu để viết và giảng dạy những kiến thức về chủ quyển biển, đảo một cách chính xác, sống động cho các thế hệ con cháu của mình.

 

Đúng là để những chất liệu thô cứng này trở thành dòng chảy kiến thức thấm vào bên trong mọi người là một việc không dễ...

 

Vì sao nhiều học trò không thích học sử địa? Có lẽ nguyên do rất lớn là vì việc thể hiện và giảng dạy những điều ấy thô cứng quá. Tiêu hóa nó đã khó rồi, sao mà biến nó trở thành nhận thức, sao mà biến nó thành tâm tình?

 

Riêng với vấn đề phổ biến các kiến thức liên quan đến địa lý - lịch sử biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa, phải làm công phu, liên tục trong một thời gian dài, đi sâu phổ biến đến các trường trung học, ĐH, rồi đi vào sách giáo khoa… Những người liên quan đến việc phổ biến kiến thức ấy phải biết đến độ thấy mình sống trong đó. Có như thế nói ra mới có tâm tình, mới có sức thuyết phục và mới hấp dẫn.

 

Biển, đảo như máu thịt của cơ thể mình

 

Ông đã chuẩn bị cụ thể gì trong việc góp phần phổ biến các kiến thức này để nó thành tâm tình của người Việt Nam như ông nói?

 

Tôi đã hoàn tất cuốn Atlas biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa. Đây là công trình mà tôi dành nhiều tâm huyết trong những năm tháng còn lại của đời mình để thực hiện. Cuốn Atlas này là những cắt nghĩa chi tiết về các vấn đề có liên quan địa lý - lịch sử, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi hy vọng từ đây những kiến thức này sẽ đi vào sách giáo khoa của Việt Nam.

 

Ông có thể tóm lược về nội dung chứa đựng trong công trình này?

 

Đó là một nhận thức sâu sắc và chính xác về phần biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Nước Việt Nam, đời sống văn hóa của Việt Nam không thể tách rời với biển và đảo của mình. Công trình này cắt nghĩa rõ chân lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam khi hàng ngàn bản đồ của phương Tây, của Việt Nam và cả Trung Quốc cùng hàng trăm nguồn tài liệu khác đã xác định rõ điều này. Nó toàn diện như cơ thể của con người chúng ta vậy. Mất cái đó như mất tay mất chân; mất cái đời sống của nó là như mất nửa trái tim. Và sâu xa, nó là tâm tình mà tôi dành trong ấy cho đất nước mình.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Xem những bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa

 

Sáng 22/8, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) đã khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử. Triển lãm giúp người xem thấy được bức tranh về hành trình bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX.

 

Gần 150 bản đồ cùng nhiều tư liệu văn bản, hiện vật, ấn phẩm… tại triển lãm đều là những bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngay trong buổi sáng khai mạc đã có rất nhiều du khách đến xem. Ông Nico Maas, một du khách đến từ Hà Lan chăm chú xem, đọc từng câu chuyện. “Tôi rất hiểu chủ đề của triển lãm này. Đây là điều các bạn nên làm để góp phần giữ gìn chủ quyền của các bạn. Riêng cá nhân tôi, triển lãm này đã giúp tôi hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của các bạn cũng như ý thức chống ngoại xâm của người dân Việt Nam” - ông Nico Maas cho biết.

 

Với bạn Phạm Đình Xuân Hòa, sinh viên năm ba khoa Du lịch, ĐH Văn hóa và nhóm bạn cùng lớp thì triển lãm lại mang một ý nghĩa khác. “Triển lãm này, đặc biệt ở phần hiện vật và hình ảnh thực, đã giúp em có cái nhìn rõ ràng hơn về hai quần đảo của Việt Nam cũng như hành trình bảo vệ chủ quyền của ông cha. Chính khi thấy thực được như vậy em mới ý thức được việc cần thiết bảo vệ, gìn giữ nó” - Xuân Hòa chia sẻ.

 

Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử diễn ra đến hết ngày 29/8.

 

Q.Trang

 

Khánh Hòa: Tập huấn giảng dạy về biển, đảo

 

Trong hai ngày 22 và 23/8, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lớp tập huấn chuyên đề giáo dục chủ quyền biển, đảo cho cán bộ, giáo viên môn lịch sử thuộc các trường THPT, THCS, TTGDTX, cán bộ phòng GD&ĐT… với số lượng 235 người. Trong hai ngày, lớp tập huấn sẽ đề cập đến các vấn đề liên quan đến biển, đảo như biển, đảo - tiềm năng kinh tế và vị trí chiến lược; lịch sử chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa; Trường Sa hôm nay…

 

L.Xuân

 

Tình yêu thương Việt Nam đã ở trong tâm của mọi người. Và khi điều ấy trở thành khúc tâm tình của muôn người Việt Nam thì đó sẽ là sức mạnh to lớn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

 

Theo Minh Cường

 Pháp luật TPHCM