Chủ đầu tư nói gì về “con đường dát kim cương”?

Tuyến đường Lê Đức Thọ kéo dài đến quốc lộ 70 (Hà Nội) vừa thông xe và được cho là “con đường dát kim cương”. Nhiều thông tin cho rằng việc thiết kế chưa hợp lý khiến người dân phải đi đường vòng, chủ đầu tư nhận được số lượng đất quá hời so với việc đầu tư 3,5km…

Xung quanh dư luận về công trình này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hà Phương - Tổng giám đốc công ty cổ phần Tasco Công ty CP Tasco, chủ đầu tư Dự án.

- Phóng viên: Dư luận khá tò mò về “con đường dát kim cương” Lê Đức Thọ kéo dài vừa thông xe hôm 28/4, xin ông cho biết tổng quan về dự án này?

- Ông Hoàng Hà Phương: Dự án tuyến đường Lê Đức Thọ đến đường 70 được khởi công xây dựng vào ngày 15/02/2009, sau một thời gian tạm dừng do sự thay đổi quy hoạch vành đai sông Nhuệ, ngày 28/4/2017 dự án đã được hoàn thành. Tổng mức đầu tư ban đầu dự án là hơn 1.500 tỷ đồng, theo hình thức BT.

Việc đối ứng cho dự án này được nêu rõ trong hợp đồng giữa Công ty cổ phần Tasco và Quận Nam Từ Liêm về việc tổng mức đầu tư của dự án sẽ được quyết toán thực tế, nếu giá trị quyết toán thực tế lớn hơn giá trị đất sử dụng đối ứng thì UBND TP phải chi trả bằng một trong 2 hình thức: Tiền mặt hoặc thêm dự án đối ứng cho Nhà đầu tư. Mặt khác nếu giá trị quyết toán thấp hơn giá trị đối ứng nhận được, nhà đầu tư phải nộp tiền mặt phần chênh lệch vào Qũy Tài chính của UBND thành phố.

Đường Lê Đức Thọ kéo dài tới Quốc lộ 70 khoảng 3,5km nhưng mất 7 năm mới thi công xong (ảnh: Vũ Toàn)
Đường Lê Đức Thọ kéo dài tới Quốc lộ 70 khoảng 3,5km nhưng mất 7 năm mới thi công xong (ảnh: Vũ Toàn)

- Cho đến thời điểm này, tuyến đường Lê Đức Thọ đã được hoàn chỉnh một cách “đột phá” sau 7 năm thi công ì ạch?

- Đây là dự án BT thực hiện theo Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh -Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND Huyền Từ Liêm (cũ) và Công ty cổ phần Tasco. Đây cũng là dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhiều giai đoạn bấp cập, kể cả về cơ chế chính sách lẫn triển khai thực tế, cản trở chúng tôi để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ cam kết.

Chúng tôi cũng nhận định rằng, dự án này sẽ mang lại một hình ảnh mới cho quận Nam Từ Liêm, kết nối hạ tầng giao thông, tạo điều kiện phát triển không gian đô thị hai bên theo quy hoạch, phát triển đô thị, mạng lưới dịch vụ, thương mai, các trung tâm văn hóa, làng nghề... gắn kết các khu kinh tế. Chính vì vậy, đây cũng là một phần động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành dự án. Trong khi đó nếu theo thời hạn thực hiện hợp đồng, chúng tôi được gia hạn đến hết tháng 12/2018.

- Nói như vậy là ông thừa nhận dự án Lê Đức Thọ chậm tiến độ 7 năm?

- Nói dự án của chúng tôi chậm tiến độ 7 năm là hoàn toàn không có cơ sở. Dự án BT được khởi công xây dựng vào ngày 15/02/2009 và đến cuối năm 2009 đã thi công được nhiều hạng mục công trình; đặc biệt đã hoàn thành xong 800m đoạn từ đường Lê Đức Thọ đến cầu Xuân Phương để đưa khai thác sử dụng phục vụ Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà năm 2010.

Ngày 19/7/2010, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 202/TB-CPCP về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chỉ đạo xử lý các Dự án nằm trong vành đai sông Nhuệ. Mặt khác, theo thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại văn bản số 166/TB-VP ngày 02/12/2013; trong đó, Dự án BT của Tasco phải dừng triển khai thực hiện, rà soát, thanh lý hợp đồng và đề xuất các biện pháp xử lý tồn tại. Đây chính là lý do dự án tạm dừng lại trong khoảng thời gian gần 4 năm.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.500 tỷ đồng (ảnh: Vũ Toàn)
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.500 tỷ đồng (ảnh: Vũ Toàn)

Đến ngày 25/7/2014, Dự án BT được UBND TP Hà Nội cho phép tiếp tục triển khai tại văn bản số 5506/UBND-KH&ĐT nhưng riêng cầu vượt đường sắt sẽ đầu tư sau trong thời gian thích hợp vì Dự án không thể cân đối được vốn đầu tư.

Ngày 4/5/2016, UBND thành phố Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục triển khai đầu tư cầu vượt đường sắt để đảm bảo đồng bộ và phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Theo đó, Công ty cổ phần Tasco đã tập trung, nỗ lực triển khai thi công và đến 28/4/201 7, Dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

- Chúng tôi nhận được phản ánh để nhận được 3,5km, UBNDTP Hà Nội phải mất 70 ha cho Tasco, sự “đổi trác” được cho rằng không hợp lí, ông có ý kiến gì về việc này?

- Chúng tôi cũng nhận được thông tin về việc thiết kế chưa hợp lý, gây cho người dân phải đi đường vòng hay thông tin Tasco nhận được số lượng đất quá hời so với việc đầu tư 3,5km. Nhưng cũng nhân đây, chúng tôi muốn làm rõ thông tin này cho quý vị. Việc thiết kế tuyến đường và cầu vượt đường sắt được thực hiện theo chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 mà UBND Thành phố chấp thuận theo Quyết định số 60/2002/QĐ-UBND ngày 22/4/2002.

Tổng mức đầu tư được lập và Cơ quan nhà nước mời thẩm định theo quy định của pháp luật nhưng cũng chỉ là tạm tính làm căn cứ ký kết hợp đồng. Sau khi dự án hoàn thành giá trị quyết toán mới là giá trị để đối trừ vào dự án đối ứng theo thực tế. Vì vậy không có chuyện Tasco hay Nhà nước được hời ở đây.

- Xin cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)