1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Chống ùn tắc với tinh thần cứu hộ, cứu trợ

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, những con đường mới sẽ phải làm với tinh thần cứu hộ, cứu trợ. Các đại biểu khác lại lưu tâm tới giải pháp hạn chế đăng ký xe máy và tiến độ thi công các công trình lớn.

Đề án “Một số giải pháp cấp bách thực hiện giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội” vừa được lãnh đạo thành phố trình lên Thường vụ Thành ủy để lấy ý kiến vào chiều qua 23/1.

Cần sự trợ giúp từ Chính phủ, Quốc hội

Là người phát biểu đầu tiên, Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Thế Thảo, đã tập trung minh họa cho đề án này. Theo đó, mục tiêu đặt ra là hạn chế ùn, không để tắc và tổ chức điều hành giao thông là giải pháp được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở hạ tầng hiện có sẽ tổ chức dòng chảy hợp lý, dù phải “chạy” ngoằn nghèo, nhưng không để ách tắc.

Cũng theo ông Thảo, nan giải nhất hiện nay chính là các tuyến ngang trong thành phố (theo hướng Đông - Tây). Tới đây, có những đoạn đường ngang mới sẽ phải làm với tinh thần cứu hộ, cứu nạn. Cụ thể, sẽ cho phép những công trình này áp dụng cơ chế đặc biệt, trao “chìa khoá” cho những chủ đầu tư có năng lực để có thể thực hiện nhanh.

Về vận tải hành khách công cộng, sẽ tổ chức tăng cường xe buýt theo các chuyến phục vụ học sinh đến trường, các chuyến phục vụ công chức đến công sở. “Vì có các cơ quan Trung ương, số lượng công chức nhiều nên việc khắc phục vấn đề ùn tắc nói chung của thành phố có phần dễ hơn TPHCM”, ông Thảo phân tích.

Xung quanh việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, ông Thảo cho rằng, hiện chúng ta chưa có quy định về tiêu chuẩn, định mức. Tuy nhiên, thành phố có thể kiến nghị để áp dụng theo những tiêu chuẩn định mức của nước ngoài.

Về lâu dài, thành phố sẽ tìm cách lôi kéo các đô thị ra bên ngoài. Theo đó nếu di chuyển được các khu chung cư cũ, các trường học... với khoảng một triệu dân cư ra bên ngoài sẽ góp phần rất lớn giải quyết vấn đề.

Ông Trịnh Đức Hồng, trưởng ban Văn hoá xã hội của HĐND góp ý, trong các giải pháp đưa ra, chưa có giải pháp nào mạnh, đủ giải quyết được vấn đề. Theo ông Hồng, lượng xe đăng ký năm sau tăng hơn năm trước đến hai lần, trong khi đường chỉ tăng thêm rất ít. Vì thế, giải pháp được ông nói tới là cấm đăng ký xe máy. Theo ông Hồng, giải pháp này trước đây đã thực hiện “thành công” ở 4 quận nội thành và người dân đã chấp nhận, nhưng sau đó có một số ý kiến của đại biểu Quốc hội phản đối đã khiến Hà Nội phải dừng lại.

Ý kiến của ông Hồng được ông Lê Quang Nhuệ, Phó Chủ tịch HĐND TP chia sẻ ý với việc đề cập trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội. Theo ông Nhuệ, khi có vài ý kiến cho rằng, cấm đăng ký xe máy là “vi hiến”, Chính phủ và Quốc hội đã không có ý kiến gì. Thành phố sau đó phải chịu áp lực của báo chí và đã phải điều chỉnh.

“Việc hạn chế đăng ký xe máy, Hà Nội không làm được mà phải từ Chính phủ” - Giám đốc Sở Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh tiếp nối vấn đề sau đó.

Không vội vã ban hành rồi vội vã rút lại

Ông Nguyễn Tiến Định, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, ở chỗ này, chỗ nọ của thành phố vẫn còn những đề nghị xây dựng chung cư, trung tâm thương mại... Thành phố đã rất khó “cựa” nên với những đề nghị như thế ông đề nghị phải kiên quyết hạn chế cấp phép.

Với giải pháp phân luồng và nhất là cấm xe máy trên một số tuyến phố, ông Định lo ngại sẽ dồn ùn tắc vào chỗ khác. Ông cũng cho rằng, tiến độ xây dựng, cải tạo các công trình của thành phố quá chậm và điều này góp phần tạo nên ùn tắc. Ông nêu ví dụ, nút Kim Liên, đàn Xã Tắc để quá dài, thành phố cần phải kiên quyết hơn.

Giám đốc Công an TP xoáy sâu hơn vấn đề này: nút giao thông Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã thi công từ vài năm nay và làm khá thong dong, trong khi cảnh sát giao thông và giao thông công chính đều đặn phải đảm nhận phân luồng. Theo ông với những công trình quan trọng như vậy cần phải làm nhanh hơn, thậm chí phải liên tục ba ca.

Ông Nhanh cũng cho rằng, các giải pháp về hạ tầng của thành phố phải 3-5 năm nữa mới có hiệu lực nên từ nay đến đó việc chống ùn tắc vẫn phải dùng sức. Công an thành phố đã làm các thủ tục để xin thêm 800 cảnh sát như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nhưng có lẽ phải ba năm nữa mới tuyển đủ vì còn phải chờ… đào tạo. Hiện thành phố đã phải xin Học viện Cảnh sát “trợ giúp” 500 học viên để tăng cường từ nay đến Tết.

Về giải pháp giao thông tĩnh, ông Nhanh cho rằng khó, nhưng không phải không làm được. Ông cũng cho rằng, các giải pháp thành phố đưa ra cần phải được thực hiện với lộ trình nhanh hơn.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị lưu ý, cần cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp cấm xe máy trên một số tuyến phố. Ông cũng cho rằng, các giải pháp nói chung trong thời gian tới cần làm theo cách chắc chắn hơn, không để xảy ra tình trạng, vội vã ra văn bản rồi vội vã rút lại… Theo ông, chủ trương quản lý vỉa hè, lòng đường, quản lý bán hàng rong vừa qua là đúng, nhưng cách thức tổ chức thực hiện, bước đi chưa phù hợp.

Cấn Cường