1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Chống tham nhũng ở Việt Nam giống văn học hiện thực phê phán”

(Dân trí) - Góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ĐBQH Nguyễn Đăng Trừng ví von: “Chống tham nhũng ở nước ta giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 - hiện thực phê phán - thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ.

Ngày 28/10, các đại biểu làm việc ở tổ góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đại biểu Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) bày tỏ: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã phát triển và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế; nhưng “vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó lường.
 
Số lượng đảng viên đông nhưng không mạnh. Đảng viên trẻ ít quá. Nhiều cán bộ quan liêu, rời xa quần chúng nhân dân. Cơ chế vận hành đã bộc lộ bất hợp lý cả về xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng kinh tế cũng rất khó khăn”.
 
Đại biểu Tân đề xuất: “Chúng ta phải xây dựng luật quản lý tài sản vốn Nhà nước. Về vấn đề này tôi tham gia góp ý từ lâu rồi nhưng đến nay chưa xây dựng được. Bây giờ xây dựng tập đoàn, hành lang pháp lý không có, các tập đoàn sẽ bộc lộ như Vinashin là tất yếu”.
 
Tham gia góp ý cho dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đại biểu Nguyễn Văn Bé (TPHCM) cho rằng: Nội dung văn kiện Đại hội Đảng đã đánh giá cơ bản toàn diện các vấn đề của Đảng, nhưng chưa quan tâm nhiều đến xây dựng nền tảng con người.
 
Đại biểu Bé nói: “Cần xác định rõ nội dung về xây dựng con người, lấy con người làm trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người XHCN vì đường lối của chúng ta kiên định con đường đi lên CNXH”.
 
Cũng theo đại biểu này, mục tiêu của dự thảo văn kiện chưa xác định được giải pháp tiết kiệm, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tham ô lãng phí.
 
“Rất buồn là chúng ta thấy thiếu sót, khuyết điểm nhưng chưa mạnh dạn chỉ rõ cá nhân nào, tổ chức nào. Đó là vì nể nang” - đại biểu Bé cũng cho rằng - “Sao không nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục, sửa chữa. Phải có chuyện mua quyền bán chức, bởi có người bán mới có người mua. Dân có tin vào Đảng hay không là vì Đảng dám nhìn, dám thừa nhận sự thật trước dân”.
 
“Chống tham nhũng ở Việt Nam giống văn học hiện thực phê phán” - 1
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (ảnh: Việt Hưng).
 
Đề cập tới công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, ĐBQH Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) cho biết: Nước nào cũng có tham nhũng, mức độ ít hoặc nhiều. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng như dòng văn học hiện thực phê phán cuối thế kỷ 19, thấy hiện trạng, có phê phán nhưng lại không có giải pháp để tháo gỡ.
 
“Nếu chúng ta không phòng chống được tham nhũng thì không thể nâng cao sức cạnh tranh, không thể phát triển được. Chống tham nhũng cần phải quyết liệt, không làm được thì người trẻ sẽ không còn muốn vào Đảng”, vị đại diện này nói.
 
Theo đại biểu Lê Thành Tâm (TPHCM), những nhược điểm, yếu kém của nền kinh tế mà người dân quan tâm vẫn chưa được nhìn nhận thẳng thắn trong văn kiện. “Phát hiện tham nhũng, lãng phí của chúng ta luôn lần sau cơ hơn lần trước. Cử tri của tôi yêu cầu phải có câu trả lời xác đáng và cách xử lý về Vinashin…”.
 
Nối tiếp đại biểu Tâm, đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) cho rằng: “Cái gì chúng ta làm cũng đòi nhất, đầu tiên, hoành tráng - để làm gì? Có những con đường làm để chào mừng các ngày lễ, sau mới gia cố, đó là bệnh thành tích. Tôi khẳng định, lãng phí là có, còn tham nhũng hay không cần phải xem xét”.
 
Bà Hồng cho biết thêm: “Năm nào chúng ta cũng kiểm điểm, phân loại đảng viên nhưng công tác chống tham nhũng lại chưa hiệu quả. Thật ra trong một đơn vị không ai dám phê bình thủ trưởng đâu, cùng lắm là phê thủ trưởng “không biết giữ sức khỏe”. Do đó, người thủ trưởng phải có tâm để tự phê”.
 
“Đáp” lại những lo ngại của các đại biểu về việc “người trẻ không thiết tha vào Đảng”, đại biểu Tất Thành Cang (nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM) cho rằng, phần lớn các bạn trẻ vẫn có nguyện vọng vào Đảng nhưng những thủ tục, quá trình quản lý đảng viên hiện đang có “vấn đề” nên nhiều bạn trẻ ngần ngại.
 
Nguyễn Hiền