1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chống tham nhũng: Cuộc chiến gian nan

Cuộc tọa đàm về chống tham nhũng hội tụ 40 học giả, nhà hoạch định chính sách, chính trị gia từ các nước Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và CHLB Đức vừa diễn ra tại thủ đô Bangkok. Không ít các đại biểu nước ngoài đã bị “sốc” khi nghe báo cáo về tham nhũng ở Việt Nam.

Tọa đàm diễn ra đúng vào thời điểm nước chủ nhà Thái Lan đang rung chuyển bởi những cuộc biểu tình chống tham nhũng nhằm vào Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Gia đình ông Thaksin đã bán Tập đoàn truyền thông và báo chí khổng lồ Shin Corp cho Công ty Temasek của Singapore mà trốn nộp thuế 1,9 tỉ USD.

 

Tham nhũng ở VN gây “sốc” cho cử tọa

 

PGS.TS Nguyễn Đình Cử được báo cáo đề dẫn đầu tiên trình bày kết quả cuộc điều tra của Ban Nội chính T.Ư về tình trạng tham nhũng ở VN. Những phát hiện của cuộc điều tra về cơ chế “xin-cho”, về các qui trình hành chính cồng kềnh và mù mờ, về qui định pháp luật lỏng lẻo dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền hành để nhũng nhiễu doanh nghiệp và công dân, tỉ lệ trên 60% người dân thừa nhận đã phải chi trả thêm tiền để thực hiện các thủ tục hành chính, danh sách 10 cơ quan được chỉ đích danh là tham nhũng... đã gây sự chú ý đặc biệt.

 

Tác giả cho rằng VN có truyền thống văn hóa tốt đẹp như “uống nước nhớ nguồn” và “miếng trầu là đầu câu chuyện” đã bị lạm dụng để đòi hỏi quà cáp, biếu xén. Đặc biệt, tỉ lệ cao người dân và doanh nghiệp chấp nhận tham nhũng như một hình thức “biếu xén” hay “quà nhỏ” đã gây ngạc nhiên đến sửng sốt cho các đại biểu nước ngoài.

 

Không khí tọa đàm đã nóng lên khi bước vào thảo luận báo cáo này với những ý kiến rất trái ngược nhau.

 

Trong khi đại biểu Thái Lan Sombat Benjasirimongkol nửa đùa nửa thật nói rằng tham nhũng ở VN mới đạt “trình độ nhà trẻ so với trình độ sau đại học” của Thái Lan thì nữ TS người Thái - Thaveeporn Vasakul (rất am hiểu VN) - cho rằng không có lý do gì để xếp loại tham nhũng ở VN mới đạt “trình độ nhà trẻ”. Giáo sư Kasian Tejapera từ Trường đại học Thammassat đã bàng hoàng thú nhận ông bị “sốc” nặng khi nghe báo cáo về tham nhũng ở VN.

 

Ông đặt những câu hỏi rất nghiêm túc: “Tại sao một dân tộc anh hùng như VN đã hi sinh đến như thế trong chiến tranh, được tất cả các dân tộc kính nể lại có thể dẫn đến tình trạng tham nhũng nhiều như vậy. Các bạn đã đánh bại những kẻ thù bên ngoài rất mạnh nhưng nay các bạn có đánh bại được kẻ thù tham nhũng này không?”.

 

Các đại biểu khác cho rằng “tham nhũng ở một dân tộc chiến đấu anh dũng như VN thật là phi lý mà có thật”. Nhưng có ý kiến lại nhấn mạnh tham nhũng ở VN là “dầu mỡ bôi trơn” để vận hành trong giai đoạn đầu của đổi mới, nay nó đã trở nên nghiêm trọng và không thể xem thường.

 

Tranh luận còn đề cập vấn đề văn hóa VN có dung hòa với tham nhũng không? TS Thaveeporn Vasakul dẫn các câu của VN “của biếu là của lo, của cho là của nợ” để chứng minh rằng không phải mọi truyền thống văn hóa của VN đều thuận lợi cho tham nhũng.

 

Tham gia thảo luận, người viết những dòng này (tức TS Lê Đăng Doanh) cũng đã trình bày các gương chống tham nhũng trong lịch sử VN, đồng thời dẫn các bộ luật VN như Luật Hồng Đức để chứng minh VN có văn hóa và truyền thống chống tham nhũng. Muốn chống tham nhũng đòi hỏi phải có thiết kế thích hợp trong hệ thống chính trị để kiểm soát quyền lực.

 

Tổng kiểm toán Thái Lan chống tham nhũng

 

Bà Tổng kiểm toán Thái Lan Jaruvan Maintaka bắt đầu báo cáo của mình bằng thông báo thẳng thắn rằng bà vừa mới được hồi chức tháng trước sau khi bị bảy nghị sĩ ngăn cản thi hành nhiệm vụ từ tháng 7/2004 đến 1/2/2006 do “những nghi vấn trong quá trình bổ nhiệm”. Theo bà, đây là sự trả đũa của bảy vị nọ đối với kết quả kiểm toán của bà.

 

Bà Jaruvan Maintaka đã trình bày công việc của 30.000 kiểm toán viên với ngân sách eo hẹp nhưng đã kiểm toán được 30% số mua sắm của nhà nước các cấp, chiến đấu chống lại điều mà bà mô tả là “những mafia hợp pháp”. Phát hiện phổ biến của bà là “bất kỳ mua sắm và công trình xây dựng nào của nhà nước đều đắt hơn giá thị trường ít nhất 15-30%”.

 

Bà nhấn mạnh đến kinh nghiệm đấu thầu ở Thái Lan phải xem xét trong tổng thể giá, khối lượng, chất lượng và thời gian hoàn thành, giá quá thấp luôn là dấu hiệu cho một sự không bình thường nào đó. Bà đưa ra những ví dụ vô cùng phong phú về sự cấu kết giữa tiền bạc và quyền lực, giữa công ty nhà nước và công ty gia đình.

 

“Thánh chiến” chống tham nhũng ở Indonesia

 

Các đại biểu Indonesia đã làm nóng cuộc thảo luận khi thông báo danh sách các quan chức, dân biểu... đã bị trừng phạt về tham nhũng từ khi Tổng thống Susilo Bambang Yudoyono phát động cuộc “thánh chiến” (jihad) chống tham nhũng với việc thiết lập Ủy ban chuyên trách chống tham nhũng KPK.

 

Kinh nghiệm của Indonesia cũng cho thấy vai trò rất hữu hiệu của báo chí. “Kẻ tham nhũng có thể mua được một số tờ báo, bịt miệng một số báo khác, song không thể mua hết được tất cả các nhà báo” - đó là lời khẳng định của thống đốc tỉnh Tây Sumatra Gamawan Fauzi, một tỉnh đã đạt nhiều thành tựu về chống tham nhũng.

 

Trước lo ngại của các đại biểu nước ngoài về khái niệm “thánh chiến” với những chiến sĩ tử vì đạo, các đại biểu Indonesia mạnh mẽ bảo vệ việc phát động “thánh chiến” là phát động người dân tự trở thành những chiến sĩ tử vì đạo chống tham nhũng, phát động niềm tin, áp dụng luật đạo Hồi Azaria và tuyên bố của các tu sĩ “thánh Allah sẽ không dung tha kẻ tham nhũng”. Những kinh nghiệm đó phản ánh quyết tâm chính trị rất cao của Indonesia trong chống tham nhũng mà chúng ta có thể tham khảo.

 

TS Lê Đăng Doanh
Báo Tuổi Trẻ