1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông Trần Văn Thình - Nguyên Đại sứ châu Âu về Thương mại:

"Chống tham nhũng cũng cần sự tha thứ"

Kẻ thù của hạnh phúc là đói nghèo và tham nhũng. Tham nhũng đã trở nên phổ biến, từ hiện tượng tham nhũng vài chục nghìn đồng của cảnh sát giao thông đến tham nhũng hàng tỉ đồng như ở vụ PMU18. Và cuộc chiến ấy không thể chỉ làm trong ngày một, ngày hai…

Từ Bruxelles (Bỉ), khi Đại hội Đảng X vừa bế mạc với thông điệp tiếp tục công cuộc đổi mới và đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, nguyên Đại sứ châu Âu về Thương mại - ông Trần Văn Thình - muốn gửi gắm những suy tư mà ông đắn đo suốt gần 20 năm qua, từ lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam (1987), sau hàng chục năm sống và làm việc ở nước ngoài.

 

Ông đã từng nhấn mạnh: "Toàn thể dân tộc Việt Nam đã vượt qua hai cuộc chiến tranh với những đế quốc thực dân lớn nhất để giành độc lập - tự do - hạnh phúc. Giờ chỉ còn hai chữ hạnh phúc là chưa thật trọn vẹn".

 

Ông khẳng định tham nhũng ở Việt Nam đã trở nên phổ biến?

 

Đúng vậy. Từ những gì tôi quan sát trong mỗi lần về Việt Nam (mỗi năm ông trở lại Việt Nam ít nhất 2 lần), từ những gì tôi nghe thấy ở Việt kiều mỗi khi họ về thăm người thân hay làm việc ở Việt Nam, từ báo cáo mới đây nhất của Tổ chức Transparency International (T.I) - tổ chức phi chính phủ chuyên tư vấn về đấu tranh chống tham nhũng, tôi có thể khẳng định điều đó.

 

Theo báo cáo năm 2005 của T.I, VN xếp ở vị trí 107 về tham nhũng, cùng mức với Belarus, Honduras, Nicaragua, Palestine, Ukraina, Zambia, Zimbawe.

 

Tham nhũng ảnh hưởng nhiều nhất và nặng nề nhất đến người nghèo, làm người nghèo thêm kiệt quệ. Người giàu có thể cũng bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Nhưng người giàu có thể tham gia vào "bộ máy tham nhũng". Còn người nghèo thì không. Người nghèo phải chịu đựng tham nhũng. Gánh nặng về chi phí an sinh xã hội, giáo dục, y tế... sẽ càng nặng thêm nếu tham nhũng hành hoành.

 

Những người sẵn sàng chi tiền "lót tay" cho cảnh sát giao thông khi vi phạm, những người sẵn sàng "bồi dưỡng" cho y tá tại các bệnh viện chỉ để không phải xếp hàng... Thái độ sẵn sàng tiếp tay ấy càng làm tha hoá nhanh hơn những người có trong tay quyền lực. Và tham nhũng sẽ ngày càng phổ biến bởi thái độ thiếu trách nhiệm ấy.

 

Vậy thưa ông, đấu tranh chống tham nhũng cần dựa vào những yếu tố căn bản nào?

 

Đứng đầu danh sách những nước ít tham nhũng nhất là Iceland, Phần Lan, New Zealand, Đan Mạch, Singapore, Thuỵ Điển, Na Uy, Australia.

 

Mỹ xếp thứ 17, Pháp 18, Bỉ 19, Thái Lan 59, Trung Quốc 78, Philippines 117, Campuchia 130, Indonesia 137. Nơi có nạn tham nhũng khủng khiếp nhất là Haiti, Myanmar, Bangladesh và Chad.

Cần thành lập một hội đồng tư vấn cấp cao về công cuộc chống tham nhũng. Nên mời những cựu lãnh đạo đất nước, những người có trí tuệ và kinh nghiệm, tham gia hội đồng này, vì họ hiểu rõ về vai trò của quyền lực. Họ sẽ suy nghĩ và có những đề xuất với Đảng, Chính phủ và Quốc hội về những giải pháp chống tham nhũng.

 

Còn nữa, cần lãng quên, tha thứ của toàn xã hội đối với những người tham nhũng biết hối cải. Bởi nếu không có sự lãng quên, tha thứ, sẽ có những người lo ngại về những vi phạm trong quá khứ. Những người ấy sẽ không tham gia mặt trận này.

 

"Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại" vốn là đạo lý nhân văn của người Việt Nam. Cần khuyến khích để mọi người trở lại, trở lại cái tốt đẹp vốn có của dân tộc.

 

Sự lãng quên, tha thứ là cần thiết. Nhưng ngay tiếp đó phải có một đạo luật chống tham nhũng chặt chẽ và nghiêm khắc bao gồm cả việc phòng ngừa và trấn áp những hành động tham nhũng, từ những hiện tượng nhỏ đến những hành vi tham nhũng lớn.

 

Ví dụ, toàn dân sẽ thảo luận về một đạo luật mới chống tham nhũng, theo đó, người ta quyết định rằng, bắt đầu tính từ ngày mai, mọi hành vi tham nhũng sẽ bị xét xử nghiêm khắc. Sự lãng quên và tha thứ là một phần của đạo luật đó.

 

Đạo luật riêng chống tham nhũng cần được một lực lượng cảnh sát tư pháp chuyên trách thực hiện. Lực lượng này sẽ phải kiểm soát mọi hành vi tham nhũng dù là nhỏ nhất. Hành vi tham nhũng nhỏ cũng nguy hiểm không kém hành vi tham nhũng lớn. Và bên cạnh lực lượng cảnh sát tư pháp chuyên trách cũng cần có một toà án chuyên trách xét xử mọi hành vi tham nhũng.

 

Việt Nam cũng nên tiếp xúc với các tổ chức phi chính phủ về chống tham nhũng. Trong số đó, nên tham khảo kinh nghiệm của T.I. Đây là tổ chức được thế giới tôn trọng, bởi hiểu biết, bởi kinh nghiệm và bởi sự kín đáo của họ. T.I không bao giờ can thiệp đến vấn đề chủ quyền quốc gia, dân tộc.

 

Ông có thể làm gì cho công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam?

 

Tôi già rồi, đã ở tuổi 77. Tôi không có gì đáng giá cả. Cả căn hộ này cũng là thuê. Nhưng tôi có kinh nghiệm và tôi luôn sẵn sàng nếu có thể làm gì đó cho quê hương mình. Tôi có thể kể lại những kinh nghiệm, những hiểu biết của mình cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, cùng tham gia ý kiến về những biện pháp chống tham nhũng. Và tôi mong rằng Việt Nam có thể kiểm soát được nó, đạt được những phát triển bền vững về con người, kinh tế, xã hội.

 

Tôi đã trăn trở rất nhiều về những giải pháp chống tham nhũng. Vì tham nhũng làm trầm kha đói nghèo. Đói nghèo là trở ngại lớn của dân chủ. Diệt trừ tham nhũng sẽ làm giảm đói nghèo và khuyến khích dân chủ phát triển, mang lại hạnh phúc cho mỗi người Việt Nam.

 

Ông Trần Văn Thình sinh ngày 5/2/1929 tại Bình Đức - An Giang (Việt Nam).

Quốc tịch: Pháp.

Tốt nghiệp Viện Nghiên cứu Chính trị thuộc Đại học Tổng hợp Paris, tiến sĩ Luật và Kinh tế ĐHTH Paris (tốt nghiệp xuất sắc).

Nguyên cố vấn cho Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Ngân sách Pháp André Philippe.

Từ 1961-1994: Quan chức của Uỷ ban châu Âu tại Bruxelles và Geneva.

Từ 1979-1994: Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Thường trực của châu Âu tại Các tổ chức Quốc tế ở Geneva, người thay mặt Liên minh châu Âu và 12 thành viên của Liên minh tại vòng đàm phán của Uruguay GATT.

Từ 1994: Cố vấn đặc biệt của Sir Leon Brittan, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu; Cố vấn đặc biệt của Uỷ ban châu Âu - đến cuối năm 2004 - cho Chương trình MUTRAP hỗ trợ kỹ thuật cho các vòng đàm phán Việt Nam gia nhập WTO; Người khởi xướng và là Uỷ viên Uỷ ban Danh dự của Dự án eLangViet tại Việt Nam.

Được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý của Pháp, Brazil, Côte d'Ivoire, Thái Lan.

Theo Đỗ Lê Thăng
Lao Động