1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chồng chất nợ bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - Tính đến tháng 8/2013, số nợ bảo hiểm thất nghiệp tăng gần gấp đôi so với năm 2012 và tăng gấp... 13 lần so với năm 2010.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức. Theo báo cáo, tính đến tháng 8/2013, số nợ đọng BHTN tăng gần gấp đôi so với năm 2012 và tăng gấp 13 lần so với năm 2010, đã trở thành vấn đề bức xúc của ngành bảo hiểm.

Thống kê từ Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, sau 5 năm thực hiện Luật BHXH về BHTN, tỉ lệ người tham gia BHTN tăng mạnh. Hiện có khoảng 8,3 triệu người tham gia. Số tiền vào quỹ BHTN tăng từ 609 tỉ đồng năm 2010 lên 7.973 tỉ đồng năm 2012. Tuy nhiên, khi tỷ lệ người tham gia BHTN tăng mạnh  thì số tiền nợ đóng BHTN cũng tăng lên khá lớn. Năm 2010, số nợ là 43 tỉ đồng, thì đến năm đến năm 2012 số nợ tăng lên 365 tỉ đồng. Tính đến tháng 8/2013, số nợ tiếp tục tăng lên 600 tỉ đồng.

Tăng mạnh số người tham gia BHTN

Tăng mạnh số người tham gia BHTN

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Ban Chính sách (BHXH Việt Nam) nguyên nhân dẫn đến thực trạng này ngoài yếu tố khách quan do tình hình sản xuất kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao, còn có tình trạng việc chuyển kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHTN chậm. Cùng đó, quy định về xử phạt vi phạm về đóng BHTN còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, cơ quan BHXH chưa được giao chức năng thanh tra về BHXH nên tình trạng nợ đọng kéo dài, chây ì, cố tình không đóng BHTN vẫn còn diễn ra ngày càng phức tạp.

Tương tự như tình trạng nợ BHXH, tại nhiều DN, người lao động (NLĐ) đã bị trích tiền lương để đóng BHTN, nhưng không đóng BHTN hoặc một số đơn vị không tiến hành làm thủ tục chốt sổ cho NLĐ. Không ít DN khác vì muốn giữ NLĐ lại gây khó khăn khi thực hiện chốt sổ BHXH về BHTN...

Đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam kiến nghị, cơ quan bảo hiểm cần nghiên cứu tùy từng quy mô DN để gia hạn nợ. Cũng cần đưa ra hành lang pháp luật coi hành vi trốn đóng bảo hiểm như trốn thuế BHXH, theo đó phối hợp với cơ quan thuế cương quyết không quyết toán thuế cho các DN trốn đóng.

Thông tin từ Cục Việc làm cho biết, một trong những giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới là quy trình kết nối phần mềm quản lý BHTN của ngành LĐ-TB&XH với các cơ quan BHXH nhằm tiếp nhận và giải quyết nhanh quyền lợi của NLĐ trong việc hưởng các chế độ BHTN; giảm bớt thủ tục hành chính và kiểm tra, kiểm soát kịp thời việc thực hiện các chính sách, tránh tình trạng gian lận trục lợi đã từng diễn ra…

 Phạm Thanh