1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chọc lỗ trên tiền giả để lừa người tiêu dùng

Gần đây, các đối tượng tiêu thụ tiền giả dùng vật nhọn chọc lên bề mặt tờ tiền giả chất liệu polymer, tạo cảm giác nhám, sần khi dùng tay vuốt nhẹ lên tờ tiền. Chúng đã qua mặt nhiều người bằng thủ đoạn này.

Đây là thủ đoạn mới của tội phạm tiêu thụ tiền giả vừa được Đội Giám định truyền thống - Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội phát hiện.

Trước đó, ngày 21/9, Công an huyện Thanh Trì phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Hoa (32 tuổi), trú tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai có hành vi tiêu thụ tiền giả tại chợ Văn Điển, thu tại chỗ 19 tờ tiền giả polymer loại mệnh giá 50.000 đồng và một số tờ tiền khác có mệnh giá thấp hơn. Khám xét nhà Hoa, thu thêm 100 tờ tiền giả loại mệnh giá 50.000 đồng.

Số tiền giả thu giữ đã được gửi giám định. Các giám định viên kỹ thuật hình sự đã phát hiện thủ đoạn mới của tội phạm như đã nêu trên. Theo phân tích của giám định viên, khi đối tượng dùng vật nhọn (đầu kim) để chọc lên tờ tiền giả polymer, do không có độ đàn hồi nên khi kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ lên bề mặt tờ tiền sẽ thấy cảm giác sần. Bằng cách này, các đối tượng đã lừa được nhiều người trong quá trình tiêu thụ, lưu hành tiền giả.

Chính vì vậy, Phòng Kỹ thuật hình sự khuyến cáo người dân cần phân biệt tiền thật - giả qua những điểm sau:

- Ở tiền thật, do được in bằng công nghệ in đặc biệt, nên bề mặt tiền có độ dày. Khi dùng tay vuốt, bề mặt tờ tiền không trơn mà có độ sần đều. Còn tiền giả, độ sần được tạo ra từ việc chọc lỗ nên khi vuốt, vết sần khác thường, thưa và không đều nhau. Tuy nhiên, nếu kiểm tra bằng tay mà không tinh ý sẽ không cảm nhận được đặc điểm khác biệt trên.

- Đối với tiền polymer loại mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 20.000 đồng và 10.000 đồng, cầm tờ bạc chao nghiêng, nếu là tiền thật sẽ hiện lên các chi tiết in màu vàng thể hiện mệnh giá tờ bạc đó (còn gọi là chi tiết bảo an); ở tiền giả không có chi tiết này.

- Đối với tiền loại mệnh giá 100.000 đồng, cần lưu ý kiểm tra chi tiết in hình hoa văn ở góc trên phải mặt trước của tờ bạc. Khi chao nghiêng tờ bạc, chi tiết  này sẽ đổi từ màu vàng sang màu xanh. Ở tiền giả, chi tiết in này không đổi màu.

Theo Công an nhân dân