1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Choáng với công nghệ “tắm” thuốc trừ sâu rau ngót

Chỉ vài nghìn cho một gói thuốc trừ sâu và thuốc “Tàu” (thuốc kích thích tăng vọt), mỗi tuần, rau ngót được “tắm” ba lần trong những thứ thuốc siêu độc hại này.

Và thay vì cả tháng trời mới có rau ngót để ăn, loại rau này được rút ngắn thời gian thu hoạch xuống chỉ vỏn vẹn 1 tuần. Thị trường rau, quả, thực phẩm thời gian qua - vì thông tin trên - đã gây hoang mang người đi chợ bởi hàng loạt mẫu rau ngót phát hiện nhiễm hóa chất độc hại.
 
Rau ngót là loại rau phun nhiều loại hóa chất độc hại nhất. Ảnh: D.H

Rau ngót là loại rau phun nhiều loại hóa chất độc hại nhất. Ảnh: D.H

 

Một tuần ba lần “tắm”

 

Không cần ở đâu xa, ngay ngoại thành Hà Nội – chỉ cách trung tâm nội thành chưa đầy 10km là bạt ngàn những ruộng rau muống, rau ngót thuộc xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì). Bà Nguyễn Thị Thu – nông dân trồng rau ở xóm Bơ - đang thu hoạch những mẻ rau ngót đầu tiên trong ngày để kịp mang ra chợ Ngã Tư Sở nhập hàng. Khi được hỏi đến hai từ “phun thuốc”, bà Thu phủi tay: “Rau mang ra chợ bán thì rau nào chả phun, không phun thì muội hết lá, rau rất xấu có trời mới bán được!”.

 

Đặc biệt, loại rau ngót mà bà Thu đang hái được khẳng định tần suất phun lớn nhất bởi dễ bị muội lá và xoăn lá. “Quy trình rất đơn giản: Thông thường, sau khi cắt hết phần non còn mỗi gốc, vẫn phải phun một lượt thuốc để chống muội lá. Nếu rau sạch thì phải 20-25 ngày sau mới được ăn. Còn rau bán thì chỉ cần rau lên mầm non là phun ngay thuốc “Tàu”, mỗi tuần 3 lần. Sau một tuần là tha hồ cắt!” – bà Thu cho biết.

 

Giá của những loại thuốc này chỉ vài nghìn một gói, bán rất rộng rãi ở bất cứ cửa hàng thuốc BVTV nào ở Hà Nội.

 

Tại một địa điểm trồng rau ngót khác phường Yên Nghĩa (Q.Hà Đông), nông dân ở đây cho hay ngoài thuốc trừ sâu, rau ngót còn được “tắm táp” thêm thuốc trừ cỏ, trừ bệnh... Gần như 100% diện tích trồng rau ngót ít nhất phải phun thuốc trừ bệnh xoăn lá. Vỏ thuốc trừ sâu vứt ngổn ngang khắp nơi, và bà con thì phải bịt kín từ đầu tới chân để tránh thuốc độc hại vương vào người. Hà Nội có rất nhiều vùng trồng rau ngót phục vụ nhu cầu nội thành như Vân Nội (Đông Anh), Đa Phúc (Sóc Sơn), Văn Đức (Gia Lâm)...

 

Bên cạnh những khoảnh ruộng rau an toàn theo quy hoạch, rau ngót “bẩn” trồng tràn lan khắp nơi. Mức độ độc hại đến mức bản thân người trồng rau không hề đụng vào dù chỉ một nhánh rau để ăn. Rau để ăn luôn được trồng riêng ở một khu vực khác, cách xa rau trồng để bán.

 

Báo động rau “bẩn” tràn lan

 

Thông tin mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đưa ra khiến không ít bà nội trợ hoang mang: Hàng chục mẫu rau ngót, mướp đắng nhiễm hóa chất độc hại ở cả hai địa bàn lớn là Hà Nội và TPHCM. Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Lý do chính nông dân phun thuốc lên rau ngót là vì có nhện, đồng thời một loại virus làm cho lá xoăn. Thực ra, chúng không ảnh hưởng tới chất lượng rau, nhưng vì muốn đẹp nên bà con vẫn cứ phun”.

 

Cục Trồng trọt cũng đã cảnh báo về tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu để phun trên rau xanh. Theo ghi nhận của cục này, ngay cả khi rau không có sâu nông dân cũng phun thuốc.

 

Với rau ngót – thứ rau phổ biến luôn được xem là rau rất lành, thậm chí nhiều người còn dùng ăn sống, xay nước uống - thì những thông tin trên quả là đáng giật mình. Ngay cả người đứng đầu ngành nông nghiệp- Bộ trưởng Cao Đức Phát- cũng cho rằng, việc tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép trên loại rau này là đáng báo động bởi đang trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

 

Bộ trưởng Phát đã yêu cầu các cơ quan liên quan thuộc bộ phải quản lý chặt danh mục các thuốc BVTV, ngăn chặn thuốc lậu. Đồng thời các đơn vị này phải xem lại quy trình sản xuất, sớm giúp nông dân về kỹ thuật trồng rau sạch, hạn chế hoặc chuyển sang dùng các loại thuốc chế phẩm sinh học.

 

Nhận dạng rau ngót “tắm” hóa chất độc hại
 

Theo nông dân trồng rau lâu năm, rau ngót “tắm” thuốc trừ sâu thường có cảm quan khá đẹp với lá xanh mượt, màu đậm, cành và lá đều to, dài. Tuy nhiên, khi bảo quản trong tủ lạnh, chỉ sau một hôm cành sẽ rụng hết lá (dù lá vẫn tươi nguyên) và đặc biệt lúc nấu canh, nếu là rau ngót bẩn, màu nước canh sẽ chuyển sang vẩn đục, nhiều nhớt và nổi váng xung quanh thành nồi. Nếu là rau ngót an toàn, màu xanh của lá sẽ nhạt hơn, cành và lá nhỏ hơn và cảm quan xấu: rau mọc không đều lá, có một vài lá bị muội (sâu đục lá). 

 

Theo Dương Hà

Lao Động