1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Choáng cụ bà 94 tuổi sáng tác tiểu thuyết ngàn trang trên… máy tính

Dù đã bước sang tuổi 94 nhưng cụ Thi vẫn còn khá minh mẫn, khỏe mạnh. Điều đặc biệt, cụ không chỉ tự làm mọi công việc sinh hoạt cá nhân mà còn vẽ tranh, sáng tác thơ ca, viết nhật ký và lên mạng đọc tin tức mỗi ngày.

Những tưởng để làm được những việc đó, cụ phải nắm giữ công thức hoặc chế độ chăm sóc sức khỏe nào đó đặc biệt. Nhưng kỳ thực, bí quyết của cụ lại vô cùng đơn giản.

94 tuổi vẫn lướt web, chơi facebook

Cụ Thi sáng tác tiểu thuyết trên máy tính

Cụ Thi sáng tác tiểu thuyết trên máy tính

Chúng tôi tìm về làng Xa La (Q.Hà Đông, Hà Nội) hỏi thăm cụ Lê Thi vẽ tranh, không ai là không biết. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đi hết ngõ thì dừng lại trước một ngôi nhà được xây theo kiểu biệt thự nhà vườn có không gian thoáng đãng. Trước mắt chúng tôi là một bà cụ với mái tóc trắng được cắt ngắn gọn gàng, nước da trắng hồng, mịn màng. Lưng tuy còng nhưng cụ vẫn đi lại nhanh nhẹn, vẫn tự làm những công việc cá nhân mà không cần đến sự giúp đỡ của con cháu.

Khi biết chúng tôi là phóng viên, muốn đến tìm hiểu về bí quyết sống trường thọ, cụ cười hiền bảo: “Cái nghề báo là tôi thích lắm, được đi đây đi đó, cái gì cũng biết. Tôi hơn chín chục tuổi rồi nhưng vẫn cập nhật tin tức thường xuyên đấy nhé. Lúc thì nghe đài, lúc lại xem tivi. Ngày trước còn hay đọc báo giấy, giờ có máy tính, mạng internet nên tôi toàn vào mạng để đọc tin tức đấy. Các cô viết gì là tôi biết hết”. Nghe cụ nói vậy, tôi cứ ngỡ cụ đùa. Bởi ở tuổi của cụ, sử dụng máy vi tính thành thạo quả là điều hiếm có.

Như để minh chứng cho lời nói, cụ Thi mở chiếc laptop để trên ghế cạnh giường khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Cụ thao tác rất thành thạo: Gõ mật khẩu mở máy, rồi mở cho tôi xem hàng trăm bài thơ do cụ sáng tác, bản thảo tiểu thuyết “Ngược Dòng” đã được in thành sách từ năm 2009. Gần một ngàn trang nhật ký được cụ đánh máy, căn chỉnh lề, đánh số trang cẩn thận. Rồi cụ truy cập vào mạng xã hội facebook, đọc báo điện tử, đọc thơ ca,…

Chia sẻ về cơ duyên làm bạn với chiếc laptop này, cụ Thi cho hay: “Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em ở huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Ngày đó, con gái không được đến trường. Nhưng vốn tính hiếu động, nghịch ngợm, tôi thường học mót, học trộm sách của cha, anh trai và bạn bè. Cũng vì thế, tôi vẫn đọc thông viết thạo dù không được một ngày đến trường. Đến khi lập gia đình rồi chồng mất, một mình nuôi con nên cuộc sống vô cùng vất vả. Sau này khi con trai thành đạt, đón mẹ ra Hà Nội an hưởng tuổi già, tôi mới có cơ hội sáng tác thơ ca. Tôi viết nhiều lắm, ngoài thơ ca, tiểu thuyết, tôi còn viết nhật ký mỗi ngày. Đến năm 2007, tay tôi bị run, viết nhiều rất mỏi. Thấy mấy đứa cháu nội sử dụng máy tính nên tôi bảo chúng hướng dẫn. Ban đầu học cũng thấy khó khăn, gõ chữ như cò mổ ấy. Nhưng chỉ sau một tuần, tôi đã đánh văn bản thành thạo”.

Không chỉ sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, cụ Thi còn vào mạng đọc tin tức, tham gia diễn đàn thi ca. Đặc biệt, cụ biết sử dụng cả facebook để liên lạc với đứa cháu trai đang du học tại Nga. “Mình già rồi nên việc học cũng kém hơn bọn trẻ. Nhưng cứ cái gì không biết là tôi gọi con cháu đến chỉ giúp. Được cái, mấy đứa đều thương nội, không chỉ hướng dẫn tận tình mà còn tặng luôn cho tôi cái máy tính này để tôi sử dụng. Thằng út đang đi nghiên cứu sinh bên Nga, đều đặn mỗi tuần 2 - 3 lần, bà cháu lại gặp nhau trên facebook để cập nhật tình hình sức khỏe, công việc nên tôi rất yên tâm”, cụ Thi cho biết.

Một bức tranh mới được cụ Thi hoàn thiện.
Một bức tranh mới được cụ Thi hoàn thiện.

Miệt mài lao động nghệ thuật

Ngoài viết nhật ký, sáng tác thơ, truyện, cụ Thi còn thích vẽ tranh dù không học qua một trường lớp nào. Đến với nghệ thuật khi ngoài 70 tuổi, đến nay cụ đã có gia tài tranh đồ sộ với khoảng gần 5.000 bức vẽ. Tranh của cụ không chỉ tham gia hơn chục triển lãm mà còn đạt nhiều giải thưởng như: Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Trãi hay bằng khen của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL). Bên cạnh giá trị nghệ thuật tự thân, dường như mỗi tác phẩm của cụ còn là câu chuyện về sức sáng tạo không mệt mỏi của một họa sĩ tóc bạc, da mồi. Cụ Thi tâm sự: Năm 1982, người con trai của cụ đi công tác bên Nga gửi về cho con gái mình hộp màu vẽ. Cụ vừa dạy cháu vẽ những hình khối cơ bản vừa tìm hiểu về lĩnh vực hội họa bằng cách đọc những sách hướng dẫn vẽ tranh của cháu. Đến khi ngồi dạy cháu học bài, để bài học thêm sinh động, dễ hiểu, mỗi khi dạy đến một chữ cái nào đó, cụ thường vẽ hình minh họa.

Đến năm 1994, cụ bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên. Nhưng cụ bảo, đọc thì đọc vậy, đến khi ngồi trước tấm toan, cụ lại bỏ qua hết tất cả những nguyên tắc về màu sắc, bố cục, hình khối mà hoàn toàn vẽ theo cảm xúc. Vốn yêu những bức tranh phong cảnh của danh họa người Nga Lêvitan, lại được người cháu tặng cho cuốn sách chụp những tranh của danh họa này, trong vòng một tháng, cụ ngồi tỉ mẩn chép lại hơn 30 bức tranh của Lêvitan. Cụ bảo, chép tranh không chỉ khiến tay mềm mại, uyển chuyển mà cụ còn học được ở đó những nét vẽ, bố cục mà cụ chưa biết. Từ đó sáng tạo những nét mới lạ cho vào tranh vẽ của mình.

Cụ chia sẻ: “Tôi cứ vẽ theo sở thích, vẽ những gì gần gũi, thân thuộc, cũng chẳng nghĩ sau này mình lại được nhiều người biết đến”. Cho đến khi, tình yêu hội họa của bà cụ đã ở vài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lan đến Vụ Mỹ thuật. Lãnh đạo Vụ bèn cử người đến tìm hiểu tranh của cụ. Ngay sau đó, đích thân đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm đến thăm, tặng bằng khen và tổ chức triển lãm tranh cho riêng cụ.

Cụ bảo, niềm yêu thích của cụ với văn học nghệ thuật đã có từ khi còn rất nhỏ. Cha cụ là ông cử rất mê văn chương nên nhà có nhiều sách. Mỗi khi cha không để ý, cụ lại lấy sách, báo của cha đọc trộm. Vớ cái gì đọc cái nấy, từ Phong Hóa, Thời nay, Phụ nữ tân văn,... đến truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của các tác giả Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ... Trong đầu óc non nớt của cô bé Thi ngày ấy có một tình yêu, sự hâm mộ đặc biệt với các văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, làm thơ, hội họa cũng là niềm đam mê của cô. Cô vẽ bất cứ khi nào rảnh rỗi, ở bất cứ đâu (lấy que vẽ xuống đất, lấy than vẽ lên tường..). Đặc biệt, cụ Thi thường chú ý tới không gian sáng tác để tạo cảm hứng cho sự ra đời của những tác phẩm. Vì thế, hàng chục năm trước, cụ đã làm hẳn một ngôi nhà sàn giống người Mường để ở và sáng tác hội họa.

“Sáng bánh cuốn, trưa cháo, tối mì tôm”

Tuy lao động nghệ thuật hăng say như vậy nhưng thực đơn của cụ Lê Thi trong vài năm trở lại đây là bánh cuốn, cháo trắng muối hạt và mì tôm. Chia sẻ về bí quyết trường xuân của mình, cụ Thi cười bảo: “Tôi chẳng có bí quyết gì đặc biệt đâu. Ngay từ nhỏ tôi đã rất kén ăn, chủ yếu ăn cơm với rau dưa thôi, ăn ít thịt. Vài năm trở lại đây, sức khỏe suy giảm nhiều, răng cũng rụng gần hết nên tôi thường ăn những đồ mềm. Thực đơn một ngày của tôi thường là sáng ăn bánh cuốn hoặc bún, phở; trưa ăn cháo hoa với chút muối trắng, tối làm gói mì tôm hoặc uống sữa, canh rau, hoa quả là chính. Thỉnh thoảng, tôi lại ăn cơm hoặc thay đổi thực đơn một chút cho đỡ ngán”.

Cũng theo cụ Thi, ngoài chế độ ăn uống thanh đạm, cụ còn tích cực vận động chân tay và trí óc. Ngày còn khỏe mạnh, cụ thường xuyên đi chơi, đi du lịch vừa để thư giãn vừa để lấy cảm hứng vẽ tranh. Khi ở nhà, ngày nào cụ cũng dành khoảng 2-3 tiếng cho việc vẽ tranh. Thời gian còn lại, cụ vào mạng đọc tin tức, sáng tác thơ, viết tiểu thuyết, viết nhật ký hoặc chát với cháu, người thân ở nước ngoài,… Buổi chiều thì quét dọn nhà cửa, tưới rau, nhổ cỏ ở mảnh vườn nhỏ trước nhà. Khi con cháu bận, cụ lại giúp việc chợ búa cơm nước.

Cụ cho hay: “Tôi cũng không có một kế hoạch nào cụ thể mà cứ làm những việc mình thích. Luôn cố gắng làm tất cả những việc sức khỏe mình cho phép, đặc biệt là sinh hoạt cá nhân. Đến giờ, khi sức khỏe đã giảm sút nhiều, mắt cũng mờ dần, tôi vẫn cố gắng tự chủ trong vệ sinh cá nhân và ăn uống. Bởi tôi không muốn làm phiền tới con cháu và đây cũng là cách để cơ thể vận động nhằm giảm bớt tê mỏi, đau nhức xương khớp. Một điều rất quan trọng nữa, tôi nghĩ là tinh thần. Tinh thần phải thoải mái, không cáu giận, không căng thẳng, trong gia đình luôn thuận hòa thì mới sống lâu, sống khỏe mạnh được. Chính vì thường xuyên vận động chân tay, lao động trí óc nên hiện nay tuy sức khỏe không còn được như trước nhưng tôi rất ít khi đau ốm”.

Theo Ngọc Mỹ - Lê Hương
Báo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm