1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cho vay lãi cao hơn 200% lãi suất cơ bản chưa bị quy là “tín dụng đen”

(Dân trí) - Lãi suất cho vay theo thỏa thuận được quy định tại dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi được nâng từ mức khống chế không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố hiện nay lên mức 200%.

UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề này trong phiên thảo luận ngày 12/5.

Trình bày về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – đại diện cơ quan soạn thảo dự án luật cho biết, kết quả lấy ý kiến nhân dân còn có hai loại ý kiến về vấn đề khống chế lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng.

Đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo bộ luật và cho rằng, quy định về mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố bảo đảm được tính công khai, minh bạch, khả thi và thống nhất trong thực tiễn thi hành pháp luật, vì đây là loại lãi suất luật định và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm công bố công khai, theo quy định của Luật Ngân hàng.

Việc áp dụng mức lãi suất trần theo cơ chế này vừa bảo đảm phù hợp được với tình hình phát triển chưa bền vững của nền kinh tế ở nước ta, vừa góp phần ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi trong thực tiễn giao lưu dân sự.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định một mức lãi suất cụ thể trong Bộ luật Dân sự để đảm bảo được tính rõ ràng minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay.

Nghiêng về loại ý kiến thứ nhất, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh là việc quy định về mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố còn bảo đảm tính linh hoạt trong điều chỉnh về lãi suất, vì lãi suất cơ bản không phải là cố định, khi có sự biến động về thị trường tiền tệ hoặc chính sách tiền tệ thì lãi suất này sẽ được Ngân hàng Nhà nước có những điều chỉnh thích hợp.

Một lý do khác đưa ra là, dự thảo bộ luật cũng đã quy định mức lãi suất trong hợp đồng vay có thể được thay đổi trong trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường được Chính phủ giao chủ trì việc soạn thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường được Chính phủ giao chủ trì việc soạn thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.
 
Thẩm tra nội dung này, UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là phù hợp, nhưng đề nghị báo cáo rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi mức lãi suất từ 150% lên 200%.

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình cần dựa vào lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Nêu quan điểm khác, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào cho biết, từ 2009 đến nay Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản, và điều này khiến cho việc xử lý của tòa án rất lúng túng.

Ông Hào cũng thông tin, mới đây trao đổi lại, phía Ngân hàng nhà nước xác nhận, lãi suất cơ bản vẫn… như cũ, tức là mức lãi suất đã công bố năm 2009.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách bất bình: “Đến nay mà vẫn áp dụng lãi suất cơ bản 2009 thì không hợp lý, Ngân hàng Nhà nước từ đó đến nay không công bố lãi suất cơ bản là có khuyết điểm”.

Dẫn quy định hiện hành về lãi suất ở các luật khác nhau, ông Hiển cho rằng, có sự không bình đẳng ở đây, khi mà các tổ chức tín dụng thì cho vay với mức lãi suất thoải mái không sao cả, còn khu vực dân sự, cho vay tính lãi vượt quá 200% là bị “quy tội” cho vay nặng lãi.

Ông Hiển đặt vấn đề nên chăng bỏ quy định về lãi suất cơ bản, nếu bỏ thì phải phóng thích ngay những người đang bị bỏ tù vì cho vay nặng lãi. Còn nếu không bỏ cũng phải đủ lập luận thuyết phục. Đây là vấn đề lớn, cần xếp lên thứ tự ưu tiên hàng đầu khi xem xét sửa Bộ luật dân sự.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường quả quyết, cho vay dân sự thì chắc chắn phải có khuôn khổ, giới hạn. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phải công bố lãi suất cơ bản, song mấy năm nay không công bố mà lấy lãi suất liên ngân hàng thay thế, trong khi lãi suất này thay đổi hàng ngày hàng tuần, người dân khó theo, với tòa án càng khó hơn nếu phải xác định mức lãi suất để xử kiện.

Ông Cường còn thông tin thêm, trong quá trình thảo luận dự án luật sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước lúc đầu cũng không đồng tình công bố lãi suất cơ bản nữa mà đề nghị lấy lãi suất liên hàng. Nhưng sau đó, qua nhiều lần thảo luận, thì lại đồng ý là sẽ thực hiện, nhưng không phải công bố định kỳ, mà tùy theo thị trường và sự ổn định của đồng tiền.

“Nhưng, không công bố lãi suất cơ bản từ 2009 đến giờ thì hơi bất hợp lý” - Bộ trưởng Tư pháp xác nhận.

Giải thích về việc nới quy định từ 150% lên 200% lãi suất cơ bản, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu thực tế hiện nay cũng đã có trường hợp vượt quá 200%, nên cần tính đến khuôn khổ thoáng hơn, còn nếu giữ 150% thì rất dễ bị xử lý cho vay nặng lãi.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm