1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai:

Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu"

(Dân trí) - Chợ hoa ở Phố núi Pleiku khá ế ẩm khiến người bán hoa đứng ngồi không yên trong cảnh màn trời chiếu đất. Vài ly rượu trắng là giải pháp giúp họ tạm quên mối lo ngày cuối năm.

Hơn 10 giờ đêm ngày 28/12 âm lịch, chợ hoa TP Pleiku, Gia Lai vắng tanh người, chỉ còn lại những người bán hoa với nỗi buồn ế ẩm. Hầu hết họ là những người từ Tuy Hòa, Phú Yên mang hoa và cây cảnh lên Gia Lai bán để kiếm tiền tiêu Tết nên nhiều ngày nay phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”, cùng với nhiều lo toan khi giá cả đều tăng cao nhưng hoa và cây cảnh thì… ế chỏng chơ.
Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu" - 1
Mới 10 giờ đêm như chợ hoa Phố núi đã vắng tanh khiến người bán hoa buồn rầu
Khi màn đêm buông xuống ngày càng dày đặc, nhưng người ngủ thì ít mà người thức thì nhiều, mỗi người mỗi cảnh nhưng đều chung một nỗi buồn vì chưa bán được hàng. Trong khi ngày hết Tết đến, ai ai cũng quây quần bên gia đình để sắm Tết, còn họ vẫn chưa biết Tết của mình ra sao, bởi tất cả vốn liếng đều đã dồn vào những chậu hoa, chậu quất…

 
Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu" - 2
Ông Sang đứng ngồi không yên bên 2 lô hoa của mình, trong khi chi phí tăng cao, giá hoa giảm nhưng vẫn không bán được

Nhiều năm nay, năm nào anh Lê Xuân Tiến (trú phường 9, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên), cũng buôn quất lên Gia Lai bán, nhưng chưa năm nào bán ế như năm nay. Anh cho biết, bằng thời gian này năm ngoái anh đã bán được gần một nửa số chậu quất, nhưng 10 ngày nay anh mới bán được 10 chậu trong tổng số gần 200 chậu. “Các năm trước chợ hoa tổ chức ở trung tâm thành phố là Quảng trường, năm nay Quảng trường đang thi công xây tượng đài Bác Hồ nên chuyển về đây. Có lẽ vậy nên năm nay ít người biết có chợ hoa ở đây, khiến người đến mua rất ít”, anh Tiến lý giải.

Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu" - 3
Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu" - 4
Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu" - 5
Hoa bán chậm, nhiều người quá buồn không ngủ được đành rủ nhau ngồi nhậu nói chuyện giải sầu
Không chỉ vậy, theo những người bán hoa ở chợ hoa Phố núi Pleiku thì giá hoa năm nay không cao hơn năm ngoái, thậm chí còn thấp hơn năm trước. Nhưng tất cả chi phí đều tăng, tiền bốc vác tăng gấp đôi, tiền thuê xe cũng tăng 40%, và đặc biệt tiền thuê lô (mặt bằng) cũng tăng lên 200 nghìn đồng, trong khi diện tích lô thì giảm xuống.
 
“Năm trước mỗi lô chúng tôi thuê 1,2 triệu đồng, nhưng chẳng hiểu sao năm nay tăng lên 200 nghìn đồng, trong khi diện tích lô lại nhỏ hơn so với cam kết. Tôi thuê 2 lô đã mất 2,8 triệu, lúc bốc thăm lại trúng những lô trong cùng, không có người đến mua tôi đành phải bỏ lô đó, ra đây mua lại lô hết 3 triệu/2 lô. Tôi chẳng hiểu sao nhà nước nói là bình ổn giá, nhưng chính cán bộ lại tăng giá thì làm sao mà bình ổn được”, ông Nguyễn Phước Sang, bán hoa hồng và hoa thược dược nói.

 
Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu" - 6
Nỗi buồn người bán hoa tết

Chính vì chi phí quá nhiều, nhưng bán lại ít người mua khiến ông Sang đứng ngồi không yên: “Bằng giờ năm ngoái tôi đã bán gần một nửa, giá mỗi chậu thược dược là 250 nghìn đồng, đến phút chót cũng bán như vậy. Nhưng năm nay, có chậu phải bán xuống 200 nghìn đồng vậy mà cũng chẳng mấy ai mua, hơn 400 chậu hoa nhưng tôi bán chưa được 1/8. Bạn bè tôi ở đây cũng vậy, chán quá chẳng biết làm chi nên rủ nhau ngồi nhậu cho đỡ buồn, ai ai cũng nhìn nhau cười mà buồn”, ông Sang tâm sự thêm.

 
Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu" - 7
Chợ hoa ế ẩm, người bán "nhậu cho quên sầu" - 8
Đã nhiều ngày nay những người bán hoa sống trong cảnh "màn trời chiếu đất" nhưng hoa thì không bán được

Không riêng gì ông Sang, hầu hết những người bán hoa đều chung tâm trạng buồn rầu, lo lắng. Đặc biệt, là những người bán quất, cúc… từ Phú Yên lên đây, nhiều ngày nay họ phải đội nắng, dầm sương để bán hoa nhưng sức mua quá chậm khiến họ “ruột nóng như lửa”. “Năm nay bán hoa ế quá, Tết đến nơi không biết vợ con mình ở nhà chuẩn bị ra sao. Bán mà không được thì chúng tôi ở lại đây ăn Tết luôn, năm sau khỏi phải lên Gia Lai bán nữa”, anh Tuấn bán quất vừa đùa vừa buồn.

Theo tìm hiểu của PV, phần lớn những người bán hoa và cây cảnh tại chợ hoa Pleiku đều là đàn ông. Chính vì vậy, sau khi chờ đợi cả ngày bán hoa không được, trong cái lạnh của thời tiết Phố núi, không giường, không màn, không chỗ che sương, không có khách đến mua, buồn quá nhiều người đã mua rượu trắng về nhậu. Cứ vài ba người lại làm một, hai xị rượu nhậu với chút mồi: “Buồn quá, không bán được hoa, không có người đến mua, tối lại không giường, không màn nên tập trung lại uống lai rai nói chuyện động viên nhau thôi. Cái bạt này bây giờ ngồi nhậu, nhưng tí nữa là chỗ ngủ của tôi, đắp cái mền, cuốn bạt lại là xong một giấc đến sáng mai”, anh Tiến buồn nói.

Thiên Thư