Chợ Đông Ba xây hệ thống xử lý nước thải trên… giấy
(Dân trí) - Có tên trong danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng, công trình xử lý nước thải của chợ Đông Ba (TP Huế) đến nay vẫn còn nằm trên giấy, bỏ mặc sông Hương hàng ngày phải “uống” tới 60m3 nước thải độc hại.
Góp tay “đầu độc” dòng sông di sản
Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 22/4/2003 về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có nhắc đến chợ Đông Ba, yêu cầu đơn vị này phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong vòng 3 năm (2003 - 2006).
Tuy nhiên, cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ của BQL chợ Đông Ba, hàng ngày chợ này vẫn xả ra sông Hương khoảng 60m3 nước thải các loại, trong đó có cả nước thải pha lẫn hóa chất độc hại từ dãy cửa hiệu gội đầu, uốn tóc dọc bờ sông Hương.
Hiện nay, chợ vẫn sử dụng công nghệ xử lý nước bằng bể lắng cơ học ngầm được xây dựng năm 1985, có dung tích khoảng 60m3/ngày đêm. Sau khi lắng, nước thải với nhiều hóa chất gây ô nhiễm nặng vẫn “âm thầm” thẩm thấu, chảy ra sông Hương.
Theo quan sát của PV, bể lắng này được xây dạng ngầm dưới lòng đất, phía trên có một dòng kênh đầy rác rưởi để dẫn nước thải tuồn thẳng ra sông Hương. Trong những ngày mưa hoặc nắng to, nước thải cùng các chất thải rắn khác bốc mùi xú uế, khiến những hàng quán, khách hàng ở khu phía sau chợ Đông Ba đều phải vừa mua bán, vừa… bịt mũi.
Khảo sát của Ban quản lý Dự án sông Hương tại điểm thải chợ Đông Ba với 15 thông số đánh giá môi trường cũng cho thấy: khu vực sông Hương đoạn chợ Đông Ba đã phải tiếp nhận chất thải trực tiếp từ chợ và các hoạt động du lịch, dịch vụ, gây ô nhiễm cục bộ.
Đánh giá tác động môi trường ở chợ Đông Ba của Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế năm 2004 cũng cho thấy: hầu hết các chỉ số môi trường đều vượt nhiều lần so với TCVN. Trong đó, các chất hữu cơ vượt từ 4,48 đến 8,2 lần, kéo theo nguy cơ làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước. Chỉ số chất dinh dưỡng (N, P) cũng vượt 2,7 đến 3,5 lần.
Đặc biệt, tổng cloroform (nhóm vi khuẩn đường ruột, trong đó nguy hại nhất là E-coli) trong nước thải khu vực này vượt tiêu chuẩn cho phép từ 4,6 đến 32 lần.
Ngoài nước thải, chợ Đông Ba cũng “đau đầu” với chất thải rắn vì dù đã tập trung rác và vận chuyển khoảng 15 m3 rác mỗi ngày một lần nhưng “núi rác” tập trung trong ngày cũng đã đủ để gây ô nhiễm không khí trầm trọng.
Ngay phía dưới vùng hạ lưu đoạn qua chợ Đông Ba là nơi khai thác hoạt động du thuyền và là nơi định cư của hàng trăm hộ dân vạn đò. Dân cư vùng cồn Hến, Đập Đá và vạn đò vẫn sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt với nhiều nguy cơ bệnh tật.
Quá hạn 2 năm, công trình “đội” giá
Theo yêu cầu của Thủ tướng trong quyết định 64, chợ Đông Ba phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong năm 2006. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên cho đến nay chợ Đông Ba vẫn đang loay hoay với công tác chọn nhà thầu.
Được biết, tháng 8/2005 BQL chợ Đông Ba đã có tờ trình gửi UBND TP Huế đề nghị xây dựng hệ thống xử lý nước thải dung lượng 100m3/ngày đêm nhưng do các thủ tục vướng mắc từ nhiều phía nên dự án bị kéo dài.
Theo bà Lê Thị Ngọc Nhi, Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba: Ban đầu BQL chợ đã thuê Công ty CP Tư vấn - Thiết kế Thừa Thiên Huế lập dự án đầu tư với giá 2,9 tỷ đồng nhưng do thuyết trình không đạt về công nghệ nên phải “xí xóa” để làm lại.
Sau đó, BQL chợ quyết định tách công trình thành 2 hạng mục: tập trung xây dựng nhà xử lý nước trước và thuê Công ty CP phát triển Công nghệ và Tư vấn Đầu tư Đà Nẵng thiết kế.
Thiết kế này đã được các Sở, ngành hữu quan phê duyệt. Tuy nhiên, do sự chậm trễ kéo dài nên vào thời điểm tháng 3/2008 vật liệu xây dựng vướng phải “bão” giá, khiến BQL và đơn vị thiết kế một lần nữa phải hạch toán lại giá trị công trình.
Chính vì vậy, giá trị công trình từ 991 triệu đồng (cho hạng mục xây dựng, lắp đặt nhà xử lý nước) đã “đội” lên tới 1,4 tỷ đồng, khiến UBND TP Huế phải “è cổ” bù giá.
Trước câu hỏi về trách nhiệm trong việc nâng giá công trình lên gần nửa tỷ đồng, bà Nhi cho biết: “Công trình này được TP ưu tiên lắm” còn trách nhiệm cụ thể thì theo bà rất khó xác định vì “vướng mỗi nơi một tí”.
Trong năm 2006, 2007, Bộ TN-MT, Cục Bảo vệ Môi trường và Sở TN-MT đã có nhiều công văn chỉ đạo, đốc thúc nhưng chẳng hiểu do vướng mắc gì mà dự án này cứ ậm ạch.
Theo bà Nhi, sau khi hạch toán bù trượt giá xong, vướng mắc tiếp theo là thẩm định giá các thiết bị do bên bán và Sở Tài chính Thừa Thiên - Huế không thống nhất được mức giá.
Mãi tới 30/5/2008, BQL chợ mới có báo cáo tiến độ, trong đó khẳng định ngày khởi công là 15/9 và hoàn thành ngày 15/1/2009. Nhưng hơn 3 tháng sau, ngày 8/9 BQL lại có… báo cáo tiến độ khác, kéo lùi ngày khởi công đến 15/11 và ngày hoàn thành là 30/3/2009.
Nguyên nhân, theo BQL chợ, là do bên bán không cung cấp bổ sung chi tiết giá thiết bị, khiến Trung tâm thông tin tư vấn dịch vụ Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế không thẩm định được giá.
Cứ như vậy, cho đến lúc này công trình vẫn chưa được khởi công và BQL chợ vẫn chưa chọn được nhà thầu dù đã quá hạn “lời hứa” nhiều lần.
Chẳng biết quyết định của Thủ tướng đến lúc nào mới được thực hiện và ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm cho công trình bị đội giá này khi mà dòng sông Hương di sản vẫn ngày đêm bị “đầu độc” bởi hàng chục m3 nước thải, đe dọa cảnh quan môi trường và cuộc sống người dân vùng hạ lưu.
Hồng Kỹ