1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chính thức khánh thành hầm Hải Vân

Sáng 5/6, tại trấn Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 85 đã làm lễ thông xe và khánh thành hầm đường bộ Hải Vân sau gần 5 năm thi công.

Tham dự lễ khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Phan Diễn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình; ông Norio Hattori - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng cùng đông đảo nhân dân.

 

Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định: "Đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước ta, là công trình hợp lòng dân ý Đảng, một công trình mơ ước ngàn năm nay mới làm được".

 

Còn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ông Norio Hattori cho rằng, hầm Hải Vân là biểu tượng mới trong quan hệ hai nước Nhật Bản - Việt Nam. Công trình hoàn thành làm thỏa lòng mong đợi từ bao đời nay của nhân dân cả nước nhằm cải thiện điều kiện giao thông qua lại trên đoạn đường đèo hiểm trở Hải Vân, nơi thường xuyên xảy ra ách tắc và tai nạn giao thông. Giảm đoạn đường qua đèo từ 22 km xuống còn khoảng 10 km bằng tuyến đường hầm an toàn, hiệu quả và thuận lợi.

 

Nói về hiệu quả của đường hầm Hải Vân trong việc phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: "Mở đường hầm là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của cả nước, nhưng trực tiếp là của miền Trung. Mở đường hầm là điểm đầu và

Hầm Hải Vân được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là hầm đường bộ lớn nhất được xây dựng ở Việt Nam và là một trong 30 hầm lớn và hiện đại nhất của thế giới với hệ thống đường hầm hoàn chỉnh có tổng chiều dài 15,1 km. Hầm Hải Vân được trang bị và lắp đặt các hệ thống thiết bị điện, thông gió... đạt chuẩn của Nhật Bản, Phần Lan với tính năng tự động hóa cao. Tổng vốn đầu tư xây dựng hầm Hải Vân hơn 127,9 triệu USD.

điểm cuối của con đường hành lang Đông - Tây, là con đường mà các nước ASEAN và các nước vùng sông Mê Kông coi đây là một trong những dự án quan trọng".

 

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng phải làm tiếp những công trình ở phía Bắc và phía Nam để tận dụng thành quả mà hầm Hải Vân mang lại. Theo đó, phía Bắc vùng Lăng Cô phải xây dựng khu du lịch để thu hút khách; phía Nam xây dựng cảng để thu hút tàu bè nước ngoài vào và xuất cảng hàng hóa của miền Trung cũng như hàng hóa từ Lào và Đông Bắc Thái Lan ra các nước...

 

Tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã nhắc nhở Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị quản lý hầm Hải Vân phải tăng cường công tác quản lý, tránh tình trạng như cầu Bính vừa làm xong đã mất hàng ngàn bu lông, sắt thép làm cho người góp vốn cũng nản lòng và người quyết định làm công trình cũng không được vui. Khi xảy ra tình trạng trên phải trừng trị thích đáng người vi phạm, phải thải ra khỏi bộ máy những người kém không quản lý được công trình.

 

Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Trà - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án hầm Hải Vân, trong tuần đầu tiên kể từ ngày 6/6, các loại xe được lưu thông qua hầm trong thời gian từ 6h đến 18h, sau đó sẽ được lưu thông 24/24 giờ. Cũng theo kỹ sư Nguyễn Thanh Trà, đến nay vẫn chưa ban hành mức thu phí khi lưu thông qua hầm Hải Vân.

 

Theo Thanh Niên