Chính sách với tấm lợp amiăng trắng, nhìn từ căn nhà của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười
(Dân trí) - Rất nhiều câu hỏi được đặt ra tại hội nghị giải trình về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam do UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 3/11 vừa qua khi hình ảnh căn nhà mái lợp fibro xi măng của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười được lãnh đạo UB đưa ra để phân tích…
Cấm amiăng trắng, xử lý sao hàng triệu mái nhà lợp fibro xi măng?
Cụ thể, tại hội nghị, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi xem xét đề xuất của một số hiệp hội, doanh nhân, chuyên gia về vấn đề chính sách với vật liệu amiăng trắng, UB tổ chức phiên họp giải trình để làm rõ lý do Chính phủ đề ra lộ trình đến 2023 chấm dứt sử dụng sợi amiăng trắng trong việc sản xuất tấm lợp.
Ông Dũng khái quát, tấm lợp amiăng xi măng là loại vật liệu truyền thống được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam hàng chục năm qua, ở mọi địa bàn, từ người nghèo đến người giàu, từ người dân nông thôn đến cán bộ cao cấp và có ý nghĩa to lớn trong đời sống người dân Việt Nam.
Ông Dũng giơ một tấm ảnh lớn chụp một căn nhà có mái lợp bằng tấm lợp amiăng xi măng: “Tôi nói đến cán bộ cao cấp ở đây là bằng một bức ảnh rất sinh động. Đây là ngôi nhà hiện tại của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười ở xã Đông Hội, Thanh Trì, Hà Nội”.
Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ & Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, đặc tính của amiăng với những tính năng ưu việt vượt trội như độ bền cơ học và tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, chịu được môi trường kiềm, cách điện, khó phân huỷ, ngăn cản vi khuẩn và sự tán xạ… Đây là loại nguyên liệu đầu vào hữu ích cho hơn 3.000 sản phẩm. Ông Dũng nhấn mạnh, ngay trong phòng họp Tân Trào này, nơi diễn ra phiên họp giải trình, cũng dùng amiăng trắng rất nhiều để làm các tấm cách nhiệt.
Đề cập đến cuộc tranh luận suốt 20 năm qua về việc có nên tiếp tục cho phép sử dụng amiăng trắng một cách an toàn và có kiểm soát hay cấm sử dụng loại sợi này do lo ngại khả năng amiăng trắng gây ung thư cho con người khi tiếp xúc, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng, cơ sở của việc ban hành chính sách cần được làm rõ.
Ông chỉ ra thực tế: “Các nước xung quanh Việt Nam vẫn đang sản xuất một số lượng lớn các sản phẩm, nhất là tấm lợp amiăng xi măng và đang cầu mong các cơ sở của ta đóng cửa để đổ dồn vào. Nếu đúng như thế thì thực sự nguy hiểm. Vậy cần trả lời câu hỏi ami ăngtrắng có hại thế nào và có thể kiểm soát mặt tiêu cực của loại vật liệu này thế nào trong quá trình sản xuất để chống phát thải amiăng trắng vào môi trường”.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ nhiệm UB Lê Hồng Tịnh khái quát tình hình việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Hiện có khoảng 20 nước cấm, 140 nước khác vẫn cho dùng loại vật liệu này, trong đó có cả các nước G7, G20. Xu hướng chung trong nền kinh tế thị trường, theo ông Tịnh, nhà nước không cấm mà chỉ đảm bảo các điều kiện để hoạt động sản xuất, tiêu dùng đảm bảo an toàn cũng như đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, lắp đặt sản phẩm, còn lại việc lựa chọn để thị trường tự quyết định.
Lý do, cũng giống như hàng trăm chất độc khác đã được liệt kê trong danh mục cụ thể, như thuốc lá, rượu bia… (những tác nhân gây nên 6.000 loại ung thư khác nhau), nhà nước cũng không cấm mà đưa ra những điều kiện để đảm bảo việc sử dụng có kiểm soát.
“Vậy vấn đề đặt ra là cấm sản xuất hay cấm cả tiêu dùng các sản phẩm có chứa amiăng trắng. Nếu nhà nước tiến hành cấm cả việc tiêu dùng thì việc xử lý những công trình như căn nhà của cố Tổng Bí thư phải xử lý thế nào. Còn nếu chỉ cấm sản xuất thì tính thế nào với việc các sản phẩm tương tự từ các nước lân cận đổ vào Việt Nam trong bối cảnh các nước trong ASEAN, Trung Quốc đều không cấm?”.
Con số nào thể hiện số người bị ung thư vì amiăng trắng?
Báo cáo làm rõ những vấn đề được nêu ra cho phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Văn Sinh cho biết, tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó 6-8% sử dụng trong tấm lợp với sản lượng 50.000 ngàn tấn/năm. Trong số này, tấm lợp sử dụng cho mục đích làm nhà ở chỉ chiếm khoảng 11,6%, còn lại chủ yếu là xây dựng nhà xưởng và chăn nuôi.
3 năm qua, do lượng sản xuất và tiêu thị tấm đang giảm, nên lượng nhập amiăng trắng cũng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2015 cả nước nhập 58.000 tấn, 2016 còn 52.000 tấn và 2017 chỉ còn 37.000 tấn. Tổng công xuất thiết kế của các nhà máy sản xuất tấm lợp là 94 triệu m2/năm, sản xuất năm 2017 chỉ đạt 55,8 triệu m2, chỉ còn bằng 64,7% so với năm 2016.
Thứ trưởng Xây dựng xác định, ngành sản xuất tấm lợp thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng nên lãnh đạo bộ đã hết sức nghiêm túc nghiên cứu vấn đề cấm hay không với amiăng trắng để đảm bảo ngành sản xuất tấm lợp vẫn tiếp tục phát triển, người dân có sản phẩm giá rẻ để dùng, đồng thời đánh giá được tác động của loại vật liệu này tới sức khoẻ của người dân, có lộ trình cần thiết để thay thế loại sợi này bằng sợi khác an toàn cho sức khoẻ con người, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, duy trì sản xuất bình thường tại các cơ sở sản xuất tấm lợp, đảm bảo công ăn việc làm của người lao động.
Với nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã làm đề án, đề xuất chấm dứt việc sản xuất tấm lợp có cấu thành từ sợi amiăng trắng vào 2023.
Đại diện Bộ Y tế tham gia phiên giải trình thì khẳng định, có cơ sở khoa học để khẳng định amiăng trắng gây bệnh qua tiếp xúc qua đường hô hấp, nguy cơ diễn phơi diễn tập trung chủ yếu ở những cơ sở sản xuất, trong khâu phối trộn, xé nghiền bao bọc.
Đại diện Bộ Y tế dẫn chứng bằng văn bản khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) về những chất có nguy cơ gây ung thư, trong đó amiăng trắng được xếp thứ 119 với khuyến nghị, cách tốt nhất để phòng chống bệnh amiăng gây ra là ngừng sản xuất các loại amiăng. Một nghiên cứu khác của Trung tâm sức khoẻ môi trường tại Cần Thơ được viện dẫn là khi khoan, cắt vật liệu chứa amiăng trắng thì hàm lượng bụi sợi này trong không khí cao hơn nhiều lần mức cho phép.
Lý do cơ quan quản lý về Y tế trong nước chưa thể đưa ra con số nghiên cứu khu biệt về tác động của amiăng trắng với việc gây bệnh cho con người tại Việt Nam là vì, WHO khuyến cáo các nước không nên làm lại các nghiên cứu về tác hại của chất này vì thời gian gây bệnh rất dài, từ 20-40 năm, rất tốn kém, không phù hợp điều kiện Việt Nam. Nếu không có biện pháp can thiệp mà chỉ tiếp tục nghiên cứu thì vài chục năm tới, sẽ có thêm rất nhiều người bị phơi nhiễm khi tiếp xúc với amiăng trắng.
Vậy nên, Bộ Y tế nêu con số ước tính Việt Nam có 364 trường hợp mắc mới ung thư trung biểu mô vào năm 2018 nhưng không thể khu biệt tỷ lệ gây bệnh do amiăng trắng so với các tác nhân khác như thuốc lá.
Băn khoăn với những thông tin đại diện ngành y tế đưa ra, Tổng Giám đốc Công ty Tấm lợp Đông Anh Lê Văn Nghĩa cho biết, ông công tác tại nhà máy từ năm 1994, lăn lộn với nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đã hơn 20 năm, từ thời công nghệ còn rất thô xơ, người công nhân trực tiếp xé bao, trộn vật liệu, không thiết bị bảo hộ lao động. Vậy mà đến nay, hàng trăm lao động đã làm việc, nghỉ hưu, chưa phát hiện trường hợp nào ung thư trung biểu mô phổi.
“Nếu nói bệnh phát tác sau 20-30 năm thì chắc chắn đến nay chúng tôi bị ung thư hết rồi chứ” – ông Nghĩa cho rằng, tiếp xúc với loại vật liệu nào cũng độc hại, kể cả cát sỏi tự nhiên nhưng khi đầu tư khoa học kỹ thuật, kiểm soát quá trình sản xuất thì chắc chắc các nguy cơ sẽ giảm bớt.
Ông Nghĩa bình luận: “Để có sự khách quan, vô tư, khi xây dựng văn bản, nghiên cứu nào đó thì các cơ quan, đơn vị phải xuống cơ sở. Tôi thấy Bộ Xây dựng ít xuống lắm, Bộ Y tế càng không”.
P.Thảo