Chính sách thuế không thể tốt nếu quản lý kém
“Quản lý tốt thì chính sách thuế sẽ được thực hiện tốt còn quản lý kém thì chính sách thuế không thể đảm bảo được các mục tiêu kinh tế xã hội”. - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã nói như vậy về dự án Luật Quản lý thuế mà Quốc hội dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp này.
Thưa ông, có ý kiến lo ngại Luật Quản lý thuế sẽ tạo thêm rắc rối cho việc thực thi các chính sách khác?
Trong hệ thống chính sách thuế có nhiều sắc thuế khác nhau, mỗi sắc thuế lại có những quy định khác nhau. Nếu để trong mỗi luật thuế lại có một nội dung về quản lý thuế thì không thể tránh khỏi việc quản lý chưa thống nhất, hạn chế hiệu lực và hiệu quả thực thi hệ thống chính sách thuế.
Chính vì vậy, việc ban hành Luật Quản lý thuế là để thực hiện cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, rõ ràng trong việc thực thi chính sách thuế. Đồng thời, đơn giản hóa tất cả thủ tục hành chính về thuế, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế và quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế.
Theo ông, người nộp thuế được tạo thuận lợi tối đa bằng cách nào?
Trước tiên cơ quan thuế phải tuyên truyền, giải thích chính sách cho người nộp thuế và hỗ trợ họ thực hiện tốt. Ngoài ra, công tác quản lý thuế phải được cải cách rõ ràng theo nguyên tắc cơ quan thuế là cơ quan dịch vụ cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ, đồng thời người nộp thuế tự chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Để làm được như thế, cơ quan thuế phải thực hiện nhanh gọn, chính xác các nghiệp vụ từ đăng ký mã số thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế. Bên cạnh đó cũng phải có các quy định về cưỡng chế, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử phạt vi phạm hành chính... để làm sao đảm bảo tính tự giác tuân thủ một cách tốt nhất của người nộp thuế.
Quan trọng nhất là việc làm rõ trách nhiệm giữa hai đối tượng chính (người thu và nộp thuế), đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan khác trong vấn đề tham gia và giám sát, xã hội hóa hoạt động tư vấn thuế thông qua đại lý thuế.
Dường như đi kèm với sự cải cách, dự luật còn có nhiều điều khoản thể hiện sự thanh tra, cưỡng chế mạnh hơn của ngành thuế với người nộp thuế?
Dự luật có quy định rõ việc kiểm tra thuế nhằm làm rõ ràng hơn trách nhiệm của người thu thuế cũng như nộp thuế. Để phù hợp với nguyên tắc tự tính, tự khai, tự nộp thì dự luật quy định phải có thông tin về đối tượng nộp thuế, ngành thuế và hải quan phải có cơ sở dữ liệu về đối tượng nộp thuế. Dựa trên cơ sở đó, người nộp thuế khai thuế, cơ quan thuế giám sát qua việc đối chiếu thông tin, gọi là kiểm tra kê khai.
Thứ hai, nếu người nộp thuế khai đúng thì thôi, cứ vậy tuân thủ. Nếu chưa đúng thì cơ quan thuế yêu cầu khai bổ sung. Khai bổ sung mà đủ thì không coi là vi phạm, không bị phạt. Việc quy định người nộp thuế được quyền tự giải trình thể hiện tính hợp tác và bình đẳng giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.
Trước khi kiểm tra mà người khai sai tự sửa thì không coi là vi phạm. Nếu sau khi kiểm tra mà phát hiện là coi như vi phạm. Đây là điểm rất mới, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tự giác tuân thủ nghĩa vụ.
Tuy nhiên, vẫn phải có thanh tra và điều tra thuế vì thực tế có nhiều doanh nghiệp móc nối với nhau, chỉ kiểm tra một doanh nghiệp không thể phát hiện bất hợp lý của hạch toán sổ sách kế toán, phải điều tra 2-3 nơi, thậm chí cả ở nước ngoài.
Việc điều tra cũng chỉ là điều tra hành chính, mục đích là để tìm ra được số thuế và thu đủ số đó. Trong quá trình điều tra, nếu có phát hiện vi phạm hình sự thì sẽ phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo Luật hình sự.
Bên cạnh đó, còn có nhiều doanh nghiệp nợ thuế cố tình chây ỳ. Để giải quyết tình trạng này, dự luật đề ra biện pháp cưỡng chế và thu hồi nợ đọng để thu đủ số thuế.
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại sự lạm dụng trong việc điều tra thuế, làm cách nào để tránh tình trạng đó, thưa ông?
Thực ra trong luật đã quy định có lực lượng chuyên trách có chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Hơn nữa đã quy định rất rõ trình tự thủ tục. Đồng thời quy định quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ điều tra và của đối tượng điều tra. Nếu chưa đủ, sẽ có bổ sung. Khi luật có hiệu lực nó điều chỉnh cả hai bên, tức cán bộ điều tra làm sai thì đối tượng bị điều tra có quyền khiếu nại.
Các điều kiện để thực thi luật này đã đủ chưa, thưa ông?
Đúng là hiện nay, theo nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế, độ minh bạch trong giao dịch tài chính tại Việt Nam thấp. Vấn đề này đã được bàn rất kỹ. Vì vậy cần có bước đi thích hợp nhưng không thể chờ đủ điều kiện mới thực hiện.
Vấn đề đặt ra là tạo sự thông thoáng trong quản lý thuế, hải quan. Nếu không làm được điều này, không cải cách hành chính thì môi trường đầu tư kém, chi phí quản lý thuế cao mà chưa chắc đã quản lý được đầy đủ. Trong thực tế một số nội dung đã được thí điểm và khá thành công. Chính vì thế mới đưa lên thành luật. Tất nhiên là sẽ thực hiện từng bước.
Thời gian tới, cơ quan thuế và hải quan sẽ hiện đại hóa thế nào để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế?
Hiện đại hóa đầu tiên là về phương pháp quản lý. Chính luật này là sự hiện đại hóa về phương pháp. Tự khai, tự tính, tự nộp, quản lý rủi ro chính là phương pháp hiện đại nhất, từ đó sẽ dẫn đến cách tổ chức theo hướng chuyên môn sâu, chuyên nghiệp.
Theo Nguyên Linh
VnEconomy