"Chính sách đặc thù phát triển Buôn Ma Thuột còn hẻo quá!"
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình nhận xét của Chủ tịch Quốc hội về chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột còn "hẻo quá", nhưng một số ưu đãi thực ra đã nằm ở các chương trình, đề án của Chính phủ.
Ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, nhưng phạm vi áp dụng sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Chính phủ đề xuất 5 chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột. Cụ thể, về mức dư nợ vay, Chính phủ đề nghị cho Đắk Lắk nâng tổng mức dư nợ vay lên mức 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Phần tăng thêm được dùng toàn bộ để đầu tư cho các dự án trên địa bàn Buôn Mê Thuột.
Về định mức phân bổ chi thường xuyên, dự thảo đề xuất cho tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột. Số chi tăng thêm được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của thành phố.
Về ưu đãi thuế, Chính phủ đề xuất dự án đầu tư thuộc một số ngành nghề ưu tiên tại Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Với quản lý quy hoạch, đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột.
Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết đề xuất ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại Buôn Ma Thuột được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố này.
Chính phủ đề nghị các chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột sẽ được áp dụng trong 5 năm sau khi nghị quyết được Quốc hội ban hành.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị xem xét thêm vì các chính sách có phạm vi hẹp; chưa mang tính đột phá, chưa sáng tạo, còn dập khuôn, đi theo lối mòn; chưa có tính lan tỏa vùng miền.
Cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc thêm chính sách ưu đãi với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt vì hiện nay những người này hiện có thể làm việc từ xa và không nhất thiết phụ thuộc vào nơi cư trú. Việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo nơi cư trú không thu hút được nhân tài một cách lâu dài mà có thể gây bất bình đẳng và mất số thu.
Bên cạnh đó, ông Cường cho biết một số ý kiến tại Ủy ban Tài chính, Ngân sách lại đề nghị không áp dụng quy định trên, vì Luật thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì mới được xem xét giảm thuế; không ưu đãi thuế đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là lần đầu tiên xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, song đây là thành phố lớn nhất của khu vực Tây Nguyên.
Từ đặc thù của thành phố Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê, ông Vương Đình Huệ cho rằng cần nghiên cứu để có một đề án với mức ưu đãi cao nhất phát triển chuỗi giá trị của cà phê. Có thể nghiên cứu chính sách cho phép thành phố Buôn Ma Thuột sử dụng nguồn ngân sách từ việc xử lý các trụ sở, công trình của Trung ương trên địa bàn.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị ngoài các cơ chế, chính sách đặc thù, cần nhiều cơ chế khác nữa cho tỉnh Đắk Lắk phát triển, nhất là các lĩnh vực y tế, văn hóa, giao thông…
"Muốn trở thành trung tâm của vùng thì y tế, văn hóa, giáo dục phải vượt trội"- ông Cường nói và đề nghị vừa thí điểm, vừa tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm việc đầu tư nguồn lực và các chính sách khác có liên quan.
Khẳng định đây là lần đầu tiên Chính phủ trình cơ chế đặc thù cho một đơn vị cấp huyện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chính sách còn "hẻo quá". Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết một số ưu đãi khác đã nằm ở các chương trình, đề án của Chính phủ.
Cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 tới.
Giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chuyên đề giám sát sẽ thực hiện trong năm 2023, trên phạm vi cả nước; thời gian giám sát từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2022.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, cuộc giám sát dự kiến tập trung vào 4 nội dung. Bên cạnh đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sẽ đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Đoàn giám sát dự kiến đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa, thể hiện trên các phương diện việc đáp ứng nội dung đổi mới của chương trình; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh…); biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đồng thời sẽ đánh giá các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình (đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học); nguồn kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa và hiệu quả sử dụng kinh phí…