1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chính quyền thờ ơ, di tích cách mạng... “biến mất”

(Dân trí) - Nằm kề bên cánh đồng thôn Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội), ngôi nhà lợp ngói 5 gian từng ghi dấu ấn thuở ấu thơ của cố nhà văn, nhà biên kịch xuất sắc, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng, đang dần “biến mất” trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Di tích đang... mất tích!

Chúng tôi về thôn Dục Tú - xã Dục Tú, quê hương của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong không khí cả Thủ đô đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhiều công trình văn hóa để hướng tới đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bước vào một con ngõ gạch mang đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, ngôi nhà ngói 5 gian ngót 200 năm tuổi của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bị chặt phăng mất 2 gian, còn lại 3 gian nham nhở. Những tấm ngói mũi lợp trên ngôi nhà cũ bị dỡ ra, xếp đống đầu ngõ.

Bên cạnh, một ngôi nhà 2 tầng khang trang đang khẩn trương được hoàn thiện. Những đống vôi, vữa cát sỏi vương vãi khắp nơi.

Tiếp chúng tôi dưới tấm bạt tạm bợ được căng ngoài sân, ông Phạm Văn Miện, cháu gọi cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bằng ông cậu, ở ngôi nhà này suốt mấy chục năm, cho biết: “Nhà có 4 người, ngôi nhà cũ chật chội dột nát không thể ở được nên tôi phải dỡ bỏ hai gian để xây nhà mới cho khang trang”.
 
Chính quyền thờ ơ, di tích cách mạng... “biến mất” - 1

Nhà di tích cách mạng bị "chém phăng" còn lại 3 gian hiện diện bên ngôi nhà 2 tầng đang dần được hoàn thiện (Ảnh: H.Ngân)

Trong 3 gian nhà cũ, ngoài nơi thờ tự và những bức hoành phi câu đối còn khá nguyên vẹn, những vật dụng khác phần nhiều đã bị hư hỏng, xáo trộn. Vách gỗ, kèo cột nhiều chỗ bị mối mọt; một số thanh xà được gia đình ông Miện thay bằng tre cũng đã bị mục.

Bà Nguyễn Thị Thái, vợ ông Miện, cho biết: “Dù đã được gia đình sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục được. Trời mưa, vợ chồng con cái phải căng bạt, lấy chậu hứng nước”. Giếng nước cũ cũng bị phá dỡ làm hệ thống máy bơm, bể nước mới. Căn bếp đối diện ngôi nhà chính cũng vừa bị phá dỡ một phần để phục vụ việc xây dựng.

Ông Miện cho biết thêm, ngôi nhà di tích cách mạng này đã được sửa chữa, bảo quản nhiều lần nhưng đều do một mình gia đình ông lo liệu, không nhận được bất cứ kinh phí nào từ các cơ quan quản lý di tích lịch sử.
 
Chính quyền thờ ơ, di tích cách mạng... “biến mất” - 2

Gian thờ tự cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (Ảnh: H.Ngân)

Trước sự việc nhà di tích cách mạng bị xâm hại nghiêm trọng, chúng tôi đề cập vấn đề này với ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Dục Tú, về trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn di tích của chính quyền địa phương. Đáng ngạc nhiên là bản thân ông Dũng cũng không biết chuyện. Nỗi lo về số phận của ngôi nhà di tích cách mạng này càng thêm có cơ sở!

Chính quyền xã thờ ơ với di tích

Có thể nói, ngôi nhà ngói 5 gian của cố nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng, không chỉ ghi dấu thời niên thiếu của cố nhà văn mà theo sử liệu khoa học, nơi đây còn từng là “tòa soạn” của nhiều văn nghệ sỹ biên soạn tạp chí “Tiên Phong” - một trong những tờ tạp chí đầu tiên ra đời nhằm phục vụ mục đích phong trào kháng chiến chống Pháp.
 
Chính quyền thờ ơ, di tích cách mạng... “biến mất” - 3

Buổi lễ gắn biển di tích cách mạng. Người bên trái ảnh là ông Nguyễn Huy Thắng, con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Và tháng 12/2007, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Ngô Thị Thanh Hằng có quyết định gắn biển di tích tại ngôi nhà này. Nội dung tấm biển ghi rõ “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà này. Mùa hè năm 1945, ông cùng các đồng chí trong hội Văn hoá Cứu Quốc bí mật về đây biên soạn số đầu tiên của tạp chí “Tiên phong”. Với nhiều tác phẩm văn học có giá trị ông đã được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996”.

Trong quyết định gắn biển di tích nêu rõ các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này. Tuy nhiên khi đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Dục Tú, lại trả lời “gọn lỏn”: “Chỉ mới nghe nói là gia đình ông Miện sửa chữa hai căn phòng cuối để ở, xã cũng chỉ biết vậy cũng chưa trực tiếp xuống kiểm tra”.
 
 
Chính quyền thờ ơ, di tích cách mạng... “biến mất” - 4

Chủ tịch UBND xã Dục Tú Nguyễn Văn Dũng (Ảnh: H.Ngân)

Chúng tôi hỏi: Thưa ông, ông Miện có lập báo cáo, tờ trình lên UBND xã về những hạng mục nào của di tích cần phải được sữa chữa hay tu bổ không?. “Không, không có báo cáo gì cả”, ông Dũng trả lời.

Lý giải về thiếu sót này, ông Dũng cho biết, UBND huyện Đông Anh cũng không giao nhiệm vụ cụ thể cho xã trong việc quản lý di tích này. Hơn nữa, quản lý di tích hàng năm phải có kinh phí nhưng xã khó khăn còn cấp trên cũng không cấp nên cũng không biết xoay sở thế nào.

Qua câu chuyện về quản lí di tích này, một lần nữa cho chúng ta thấy rõ trách nhiệm của các nhà quản lí văn hóa ở địa phương có lẽ chỉ mang tính hình thức kiểu đầu voi đuôi chuột. Điều đó cũng một phần lí giải rằng, vì sao các di tích lịch sử ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thời gian gần đây đang bị xâm hại nghiêm trọng mà vẫn chưa “bắt được bệnh” để tìm thuốc trị.
 
Hồng Ngân