1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Chính quyền địa phương phải gắn kết với nhân dân

(Dân trí) - Mô hình tổ chức chính quyền địa phương phải đảm bảo tính khoa học, hiện đại, có sức mạnh, gắn kết với nhân dân, gần dân và thông qua bộ máy Nhà nước, người dân thể hiện được quyền làm chủ của mình.

Ngày 28/8, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức tọa đàm về Mô hình chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tham dự tọa đàm có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng nhiều lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia pháp lý, nhà nghiên cứu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại tọa đàm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 nói chung và sửa đổi, bổ sung chế định chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng nhất và cũng là khó nhất trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây cũng là vấn đề đang được người dân quan tâm đặc biệt hiện nay. Vì vậy, phải làm sao bảo đảm quyền lực thuộc về dân. Việc sửa đổi phải phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước ta về tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Hiện nay nước ta chính quyền bốn cấp như nhau. Thực tiễn lúc đầu là phù hợp, nhưng xây dựng đô thị hình thành đô thị, thành phố hình thành thành phố, việc xây dựng các vùng kinh tế cũng phát triển khác nhau. Giờ đất nước phát triển thì phải có mô hình cho thích hợp đáp ứng yêu cầu phát triển. Phải thiết kế bộ máy hành chính hiện đại, có sức mạnh tinh gọn để đủ sức lãnh đạo: gắn kết với nhà nước ở trung ương và gắn với cơ sở. Chính quyền này phải sát cơ sở, sát thực tiễn, làm sao để gắn với dân nhiều nhất, phục vụ cho phát triển.

Tạo đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu trong việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung mô hình chính quyền địa phương hiện nay. Về đơn vị hành chính, hầu hết các đại biểu cho rằng, nên giữ cách phân định hành chính như hiện nay đã được quy định tại Điều 118 của Hiến pháp. Tuy nhiên, trong điều này nên có một khoản mở, quy định về các đơn vị hành chính khác. Cụ thể như các đơn vị hành chính đặc biệt, đơn vị hành chính ở các hải đảo... tránh sự bó buộc khi yêu cầu phát triển đất nước cần có các loại hình đơn vị hành chính mới. Đối với vấn đề tổ chức chính quyền địa phương, không nhất thiết ở đâu có đơn vị hành chính thì ở đó tổ chức chính quyền như nhau, mà cần căn cứ vào yêu cầu phát triển, điều kiện kinh tế xã hội, truyền thống văn hóa lịch sử, quy mô dân số...

Do đó, chính quyền ở đô thị nên tổ chức thành 2 cấp. Cấp thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh có HĐND, UBND và ở cấp cơ sở như phường, khu cũng có đủ HĐND, UBND. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, ở các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh nên tổ chức chính quyền 1 cấp đầy đủ ở cấp này, đối với cấp phường, xã bên dưới không nhất thiết phải có HĐND mà chỉ có UBND đại diện cho chính quyền của thành phố, thị xã đó.
Nhiều ý kiến về mô hình chính quyền đô thị
Nhiều ý kiến về mô hình chính quyền đô thị

Chính quyền nông thôn nên giữ như cách tổ chức hiện nay, đó là chính quyền 3 cấp đầy đủ (HĐND và UBND) gồm có tỉnh, huyện và xã, thị trấn.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới chỉ có hai cấp chính quyền. Nếu nước ta cũng thiết lập chính quyền hai cấp thì buộc phải nhập hai xã với nhau đủ độ lớn để hình thành được.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng, trong phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ tỉnh, thành phố… nếu quy định cứng, không có biên độ nào sẽ rất khó khăn. Vừa có chính quyền hai cấp vừa có chính quyền huyện là sự phong phú đa dạng tương ứng với tình hình phát triển… GS.TS Mai Hồng Quỳ cũng đánh giá cao tầm quan trọng của cấp phường vì nó giải quyết nhiều vấn đề sát dân.

Công Quang