1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần Thơ:

Chính quyền “bó tay” trước các dòng kênh hôi thối

(Dân trí) - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống ở khu vực Thới Hòa B và Thới Hòa C (phường Long Hưng, quận Ô Môn) phải sống chung với ô nhiễm, mùi hôi thối từ các kênh Nhà Lầu, Xáng Múc. Người dân kêu nhiều nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Theo phản ánh của các hộ dân sống ở dọc theo 2 con kênh Nhà Lầu và Xáng Múc, nguyên nhân khiến các dòng kênh này bị ô nhiễm là do các cơ sở nhà máy công ty chế biến phụ phẩm, trại nuôi gia súc xả chất thải trực tiếp ra kênh.

Sống chung với ô nhiễm

Kênh Xáng Múc là ranh giới chia cách giữa khu vực Thới Hòa B, Thới Hòa C (phường Long Hưng, quận Ô Môn) và xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ); kênh Nhà Lầu thì chia cách giữa khu vực Thới Hòa B và Thới Hòa C. Hai con kênh này tạo thành hình chữ T nên nước thải ô nhiễm bắt nguồn từ kênh Xáng Múc đổ ra kênh Nhà Lầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân từ nhiều năm nay.

Trong khi đó, các nhà máy công ty chế biến phụ phẩm, trại nuôi gia súc lại nằm ở địa bàn của xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ). Qua tìm hiểu của PV, ở khu vực này có 3 cơ sở hoạt động là Công ty Chế biến thực phẩm Sông Hậu, Công ty Chế biến phụ phẩm thủy sản Sông Hậu và Trại bò thuộc Nông trường Sông Hậu.

Khi gặp PV đến tìm hiểu sự việc, bà Mén (một người dân ở khu vực Thới Hòa C) bức xúc cho biết, nhiều hộ dân ở đây sống bằng nghề làm ruộng, mà nước bơm vào ruộng chủ yếu lấy từ 2 con kênh Nhà Lầu và Xáng Múc. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa của dân.

Chính quyền “bó tay” trước các dòng kênh hôi thối - 1
Người dân cho biết nguồn nước bị ô nhiễm là do các cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra kênh
 
Còn chị Nhũ (một hộ dân khác ở khu vực Thới hòa B) cũng cho biết: thời gian qua các hộ nuôi cá tra ở đây đã phải chịu thiệt hại nặng về sản lượng, đa phần số cá mà dân khi thu hoạch đều chết hết một nửa. Theo chị Nhũ, nguyên nhân gây thiệt hại chủ yếu từ nguồn nước bị ô nhiễm nhưng các hộ dân chỉ biết chấp nhận vì kêu cứu hoài vẫn không có ngành chức năng nào giải quyết.

Quả thật, khi người dân đưa PV đi khảo sát dọc theo các con kênh thì quan sát thấy nước kênh màu đen ngòm kèm theo mùi hôi lại bốc lên rất khó chịu. PV đưa tay lên bịt mũi mà vẫn còn mùi nồng nặc. Một người dân nói thẳng: “Chúng tôi sống lâu ở đây mà vẫn không chịu nổi mùi hôi này huống chi nhà báo mới đến nên không chịu được là phải”.

Do chỉ có 2 con kênh là nguồn cung cấp nước chính nên từ nhiều năm qua, các hộ dân nghèo vẫn phải dùng nguồn nước kênh để sinh hoạt đời sống hằng ngày như tắm gội, giặt giũ, thậm chí là nấu ăn. Các hộ dân đều nhìn nhận nước ô nhiễm sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, xảy ra bệnh tật nhưng vẫn phải nhắm mắt dùng.

Kêu cứu hoài chỉ nhận được sự im lặng

Điều đáng nói ở đây là các nhà máy công ty, trại gia súc xả thải nằm bên địa bàn huyện Cờ Đỏ trong khi các hộ dân bị ảnh hưởng lại sống ở địa bàn quận Ô Môn nên các kiến nghị xử lý của người dân khiến ngành chức năng rất “lúng túng”.

Theo lãnh đạo phường Long Hưng (quận Ô Môn), tình trạng ô nhiễm mà người dân phản ánh đã được phường kiểm tra và xác định là hoàn toàn đúng. Song, do các đơn vị có liên quan nằm ở địa bàn khác nên phường chỉ có thể lấy ý kiến của dân gửi cấp trên có thẩm quyền nhờ xem xét xử lý chứ phường cũng không thể làm được gì khác.

Chính quyền “bó tay” trước các dòng kênh hôi thối - 2
Nhiều năm qua, người dân phải sống chung với ô nhiễm, kêu cứu xử lý nhưng vẫn không ai giải quyết
 
Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Long Hưng (quận Ô Môn) - cho biết, qua thống kê có khoảng 400 hộ dân sống ở 2 khu vực Thới Hòa B và Thới Hòa C bị ảnh hưởng. “Ý kiến của dân đã được chúng tôi gửi đi nhiều lần nhưng đến lúc này vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ cấp có thẩm quyền”- ông Nghĩa cho biết thêm.

Trong khi đó, theo Phòng Tài nguyên- Môi trường quận Ô Môn thì do các nhà máy công ty, trại gia súc nằm ở địa bàn khác nên quận “bó tay” vì không quản lý được. Khi nhận được phản ánh của người dân, quận Ô Môn chỉ có thể gửi văn bản đến các cơ quan huyện Cờ Đỏ; đồng thời cũng gửi Sở Tài nguyên- Môi trường TP đề nghị kiểm tra, xem xét xử lý.

Một điều “khó hiểu” nữa là theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Cần Thơ, Sở đã cho thành lập đoàn kiểm tra nhưng chỉ khoanh vùng kiểm tra ở địa bàn quận Ô Môn trong khi các nhà máy công ty, trại gia súc xả thải lại tọa lạc ở huyện Cờ Đỏ. Chính vì thế đến thời điểm này, cũng chẳng hiểu sao đoàn kiểm tra của Sở vẫn chưa thể tiến hành kiểm tra được.

Khi cấp Phòng đã “bó tay”, còn cấp Sở cứ “dậm chân tại chỗ” với việc xử lý các đơn vị gây ô nhiễm thì người dân chỉ còn cách chấp nhận tiếp tục sống chung với ô nhiễm. Sức khỏe, đời sống, kinh tế của hàng trăm hộ dân sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng; còn các cơ sở gây ô nhiễm vẫn cứ “được quyền” nhởn nhơ hoạt động. Trách nhiệm này sẽ thuộc về ai? 

Huỳnh Hải