Chính phủ yêu cầu hạ thêm lãi suất cho vay
(Dân trí) - Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp để kéo lãi suất ngân hàng xuống thấp hơn, nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Tại buổi họp báo chiều 1/4, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế quý I đã chuyển biến tích cực, tăng trưởng cao hơn hẳn quý I của năm trước (tăng trưởng 5,83%).
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô có những biểu hiện chưa ổn định, chưa vững chắc, lành mạnh. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,19% (trong khi định hướng cả năm là 25%), nhập siêu lớn…
Để đối phó với những vấn đề này, Chính phủ đã ra Nghị quyết về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó yêu cầu Ngân hàng nhà nước triển khai thực hiện cho vay lãi suất thoả thuận đối với những dự án hiệu quả, đồng thời kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Đề cập vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến thừa nhận, lãi suất ngân hàng hiện nay tương đối cao. Tới đây, Ngân hàng sẽ có các biện pháp hạ lãi suất xuống nhưng vẫn đảm bảo quan điểm lãi suất thực dương so với lạm phát trong những giai đoạn nhất định (không theo quãng ngắn).
Mặt bằng lãi suất 15 - 17% như hiện nay đang tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (ảnh: Hữu Nghị)
Về huy động vốn, ông Tiến cho biết, trong quý I vừa qua tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng 9% nhưng tiền gửi của doanh nghiệp lại tăng chậm. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các biện pháp để hỗ trợ vốn có tính dài hơi cho các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến vấn đề lãi suất thoả thuân, ông Tiến cho rằng, theo Nghị quyết của Chính phủ, tới đây hình thức cho vay này có thể được áp dụng với cả cho vay ngắn hạn.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liên quan tới chỉ số giá tiêu dùng, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, con số CPI 8 - 9% của cả năm được đề cập trong một phiên họp gần đây của các bộ, ngành, nhưng đó là con số có tính cảnh báo, trong trường hợp không có các giải pháp. Chính phủ vẫn sẽ cố gắng để lạm phát không vượt chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua (7%).
Về vấn đề được dư luận quan tâm là giá xăng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ này vừa có văn bản gửi Thủ tướng về vấn đề này. Theo đó, trong điều kiện giá xăng dầu thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp không được phép điều chỉnh giá bán, chỉ được phép sử dụng quỹ bình ổn giá.
Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải giảm giá. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng, các doanh nghiệp trước khi tăng giá phải báo cáo Bộ Tài chính để có hướng xử lí.
Thêm nữa, thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng giá sẽ được nâng lên 30 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay nhằm hạn chế tác động tới tâm lí thị trường.
Một lần nữa, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định giá xăng dầu Việt Nam gần như thấp nhất khu vực. Dẫn chứng được đưa ra là xăng A92 của Việt Nam đang bán với giá 16.900 đồng/lít, trong khi giá bán tại Lào, Campuchia, Trung Quốc đều trên 19.000 đồng/lít, còn Singapore trên 24.000 đồng/lít…
Kim Tân