Chính phủ đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 xuống 4,5%
(Dân trí) - Chính phủ vừa trình đề xuất điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 xuống mức 4,5%. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng vẫn nêu quyết tâm giữ mức tăng trưởng trên 5%.
Thông tin mới nhất về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 được đưa ra tại báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét sáng nay, 15/5.
Báo cáo được ký, gửi tối ngày hôm qua, 14/5, Chính phủ nêu hai kịch bản dự kiến về tăng trưởng của Việt Nam năm 2020.
Hai kịch bản này được xây dựng với hai giả định. Một là Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020, không thay đổi dự toán chi đầu tư phát triển, giải ngân tối đa vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020.
Hai là tình hình diễn biến, khả năng khống chế dịch bệnh, nới lỏng và thực hiện các hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Cụ thể, kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó phương án GDP tăng dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.
Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.
Khẳng định cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 hiện nay tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, Chính phủ cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan.
Chính phủ đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao.
Chính phủ cũng dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu cũ).
Điều hành xuất khẩu gạo gây bức xúc
Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế hoàn thành hôm qua cũng chưa kịp bổ sung nội dung việc điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng này. Chủ nhiệm UB, ông Vũ Hồng Thanh chỉ lưu ý vấn để nổi lên trong 4 tháng qua là chỉ số CPI, lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo.
Về đầu tư công, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên với tiến độ như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn.
Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn chậm. Đến hết tháng 4/2020, Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giải ngân được gần 1.400 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng, đạt 15,5%. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giải ngân hơn 1.170 tỷ đồng đạt 10,24% dự toán được giao.
Ông Thanh phản ánh ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và với dự án có vốn tồn đọng, chậm giải ngân sẽ điều chuyển sang các dự án có khả năng giải ngân cao.
Về xuất khẩu, lưu ý từ cơ quan thẩm tra là sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Trong bối cảnh nhu cầu lương thực trên thế giới tăng mạnh, nhiều quốc gia tăng dự trữ dẫn tới thị trường gạo rất sôi động, giá gạo thế giới tăng.
"Tuy nhiên, việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội" - cơ quan thẩm tra đánh giá.
Phương Thảo