"Chìm nổi" những bãi đậu xe ngầm ở TPHCM
(Dân trí) - Từ bản đồ trực tuyến hoặc thiết bị ghi hình trên cao, nội đô TPHCM hiện lên toàn màu trắng xám, biểu thị của bê tông hóa quá nhiều, mảng xanh còn rất ít, trong khi đó đất cho giao thông vẫn thiếu.
Thiếu đất giao thông ở TPHCM không chỉ thể hiện qua thực trạng kẹt xe trên đường, mà còn bị "kẹt" chỗ cho phương tiện lưu trú cụ thể là bãi gửi xe. Bến, bãi dành cho phương tiện cá nhân không đáp ứng đủ dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, khiến diện tích giao thông càng giảm.
TPHCM đã nhìn thấy trước vấn đề này và đưa ra các giải pháp quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh (bến, bãi) trên địa bàn thành phố nhiều năm nay, đặc biệt đối với khu vực trung tâm.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, khó khăn lớn nhất của công tác này là thiếu quỹ mặt đất. Từ đó, thành phố đã tính đến phương án đưa bến, bãi xe xuống lòng đất (ngầm) hoặc xây lên cao. Cả hai hướng đều được các chuyên gia nghiên cứu và đưa ra giải pháp phù hợp cho thành phố.
Lối ra cho các dự án bãi đậu xe ngầm đang "chìm"
Hơn 13 năm trước, kỳ vọng về việc giải quyết chỗ đậu xe khan hiếm ở khu trung tâm, TPHCM có tính toán quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm ở quận 1, gồm: sân khấu Trống Đồng, công viên Lê Văn Tám, sân bóng công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư. Bãi đậu xe ngầm sẽ kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng.
Năm 2016, TPHCM từng chấp thuận chủ trương xây bãi xe ngầm tại Thảo Cầm Viên (trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), có thể chứa khoảng 3.000 xe máy và 100 ô tô.
Song, đến nay, các dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy do vướng nhiều thủ tục. Trong đó, dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám (vốn đầu tư 200 triệu USD) đã bị UBND TPHCM "khai tử".
"Làm bãi giữ xe ngầm thì tránh công viên ra. Nếu cần làm, nên làm bên dưới công trình sẽ hợp lý hơn", KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị từng làm việc tại nhiều thành phố trên thế giới, đưa ra ý kiến.
Theo góc độ khoa học, chuyên gia giải thích cả thành phố có tỷ lệ bê tông hóa cao giờ còn mỗi đất công viên để "thở". Đất cây xanh có thể thấm nước mưa, nếu bê tông hóa nốt đất bên dưới công viên thì đô thị sẽ ngập do nước không có lối thoát.
Tuy nhiên, thạc sĩ - kiến trúc sư Trần Minh Tuấn, giảng viên môn Đô thị, Kiến trúc nhà ở và Bất động sản tại Pháp, cho rằng việc xây dựng các bãi giữ xe ngầm không thực sự hiệu quả trước thực trạng ngập lụt tại TPHCM mỗi trận mưa lớn.
Hơn nữa, theo chuyên gia, khi đào hầm tại các khu vực trung tâm xung quanh là các tòa nhà cao tầng thì các rủi ro về sạt lở, lún, nứt các công trình lân cận là rất cao. Việc này khiến nền đất yếu và ảnh hưởng đến các mạch nước ngầm dưới lòng đất… gây tốn kém cho việc khảo sát và chi phí xây dựng.
Theo chuyên gia phân tích, xây dựng bãi đậu xe ngầm tốn chi phí cao hơn gấp nhiều lần so với chi phí xây dựng cho một bãi xe thông thường. Trong khi đó, mức phí giữ xe công cộng hiện nay do TPHCM ban hành và quản lý, chưa có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo khả năng hoàn vốn cho việc đầu tư, do đó không thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
"TPHCM có thể ứng dụng phương pháp phủ dalle lên các không gian đô thị. Thay vì đào hầm sâu xuống lòng đất, thì nâng tầng lên và phủ xanh", kiến trúc sư Trần Minh Tuấn đề xuất.
Dalle (theo phiên âm tiếng Pháp đọc là "đan"), thường được biết đến tại Việt Nam là loại vật liệu tấm đan bê tông cốt thép đúc sẵn trong lĩnh vực xây dựng.
Theo cách thiết kế tại các thành phố hiện đại trên thế giới, đô thị dalle có thể được thiết lập các 2-3 tầng riêng biệt trên một vùng đất. Trong đó, các tầng ngầm dành cho giao thông công cộng, đường sắt đô thị được ẩn bên dưới; mặt đất tự nhiên dành cho phương tiện cá nhân. Cuối cùng, các tấm dalle dạng thực vật, sàn gạch, đất... sẽ được phủ lên trên các tầng.
Tại các nước phát triển ở châu Âu (Paris, Pháp) và Mỹ (thành phố Los Angeles), giải pháp phủ dalle khá phổ biến nhằm tránh việc đào hầm mà vẫn có thể tạo thêm diện tích cho giao thông và mảng xanh đô thị. Phương pháp này có thể tiết kiệm được chi phí, đảm bảo các yếu tố về môi trường.
Cần làm ngay bãi giữ xe cao tầng
Đầu tháng 9/2022, Sở GTVT TPHCM cho biết đang "tái khởi động" các dự án xây dựng bãi đậu xe nội thành để giải quyết nhu cầu rất lớn về gửi, giữ xe, tập trung vào các bãi xe cao tầng tại một số công viên công cộng.
Sở đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ lên phương án thí điểm công trình đậu xe cao tầng lắp ghép tại công viên 23/9 (đường Lê Lai, quận 1), Bến xe Chợ Lớn (quận 5) và Bến xe Quận 8.
Công trình nhà xe tại đường Lê Lai hiện là nơi giữ xe có thu phí (đoạn công viên 23/9 đối diện khách sạn New World) được đề xuất đầu tư, lắp đặt 4 modul xếp tầng đậu ô tô dạng xoay tròn, quy mô khoảng 48 xe con, một modul đậu xe hai bánh quy mô khoảng 80 xe.
Mô hình bãi đậu xe cao tầng lắp ghép được Sở GTVT TPHCM đánh giá có chi phí thấp hơn so với bãi đỗ xe ngầm, không tốn quá nhiều diện tích, lắp đặt dễ dàng, có thể tăng số lượng vị trí đậu bằng cách lắp ghép các tầng với nhau, có thể cơ động di chuyển cả giàn xe sang khu vực khác.
Năm 2017, một số nhà đầu tư từng đề nghị sử dụng các vị trí thuộc công viên, khu đất trống ở trung tâm TPHCM để làm các bãi đậu xe cao tầng lắp ghép. Tuy nhiên, UBND TPHCM không đồng ý, mà cho rằng đất công viên nên chỉ dành cho người dân vui chơi.
Chủ trương của thành phố là khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây bãi đậu xe tại các cửa ngõ thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được ấn định thời gian triển khai.
Chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn lại cho rằng nhà giữ xe cao tầng rất hiệu quả ở khu vực trung tâm thành phố, vì đây là nơi phát sinh nhu cầu giữ xe cao.
"Thành phố nên tăng mức phí giữ xe nội đô, đặc biệt đối với hình thức bãi xe cao tầng", ông Sơn đưa ra ý kiến.
Khung phí giữ xe công cộng hiện tại còn thấp, không đủ cho nhà đầu tư bãi xe cao tầng lắp ghép chi trả cho tiền thuê đất, tiền vật liệu, tiền bảo trì, lương nhân viên... Đó là một rào cản khiến các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.
Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần có quyền tự quyết giá trông xe. Bài toán tính ra khung phí giữ xe cao tầng là lấy tổng chi phí xây dựng, lắp đặt chia ra, cân đối thêm thuế phí khác, sẽ ra mức giá bao nhiêu một giờ cho mỗi phương tiện. Điều này góp phần khuyến khích nhà đầu tư xây dựng thêm không gian giữ xe, giảm gánh nặng trên đất giao thông thành phố.
Ông Sơn lấy dẫn chứng từ trải nghiệm bản thân ở New York (Mỹ), đi metro từ ngoại ô vào trung tâm thành phố với 3 USD/vé, đi một chuyến xe buýt giá 1 USD/vé. Nhưng khi sử dụng ô tô cá nhân vào thành phố, ông thường phải tìm và trả 25 USD/xe/giờ tại nhà giữ xe cao tầng, vì những trụ gửi xe thu phí công cộng trên đường phố New York đều kín mít.
"Nếu không làm vậy thì thành phố lấy đâu chỗ gửi xe nữa", ông Sơn nói.
Hiện Việt Nam có số lượng bãi để xe cao tầng chưa nhiều, tập trung ở các đô thị lớn. Trong đó:
Hà Nội có 4 bãi giữ ô tô lắp ghép tọa lạc trên đường Nguyễn Công Trứ (30 chỗ), đường Trần Nhật Duật (91 chỗ), đường Lê Văn Lương (100 chỗ), đường Nguyễn Công Hoan (221 chỗ).
Đà Nẵng có bãi giữ ô tô lắp ghép trên đường Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) có sức chứa 50 chỗ.
TPHCM có 2 nhà gửi xe cao tầng ở đường Võ Văn Kiệt (quận 1) chứa được 450 ô tô và hơn 3.900 xe máy, nhà xe cao tầng đường Chế Lan Viên (quận Tân Phú) chứa 1.500 ôtô. Ngoài ra, nhà xe 7 tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất chứa khoảng 3.000 xe máy và hơn 1.700 ô tô.