Chiều nay Hà Nội có thể mưa lớn giờ tan tầm
(Dân trí) - Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) chủ trì cuộc họp nói về cơn áp thấp nhiệt đới sắp vào đất liền nước ta. Áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ gây mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Sáng nay (25/9), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp để ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Cuộc họp do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Hồi 8h ngày 25/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,4 độ vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 130km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km.
“Khoảng trưa và chiều nay (25/9) áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng với sức gió cấp 6, giật cấp 8, sau đó áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 19h ngày 25/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ), giật cấp 7” – ông Cường thông tin.
Nói về tình hình mưa và gió trên đất liền do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ông Cường cho biết: Từ trưa và chiều nay (25/9), trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; vùng ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có gió giật mạnh cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa từ 7h sáng ngày 25/9 đến 13h ngày 26/9 phổ biển 50-100mm, riêng khu Đông Bắc có nơi trên 150mm. Chiều tối và đêm nay, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.
“Một lưu ý nữa là ở khu vực Hà Nội từ chiều và đêm nay nhiều khả năng sẽ xuất hiện mưa lớn. Mưa ở Hà Nội lại đúng vào giờ tan tầm nên dễ xảy ra tắc đường, ngập lụt và tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão nhưng các địa phương không được chủ quan vì sẽ xuất hiện mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất cũng rất dễ xảy ra” – ông Cường lưu ý.
Ngoài ra, ông Cường cho biết thêm: Trên thượng lưu hệ thống sông Thái Bình có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1-2m (đỉnh lũ trên các sông đều ở dưới mức báo động 1). Nguy cơ xuất hiện sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông mạnh. Trong cơn giông có khả năng xuất hiện lốc xoáy và gió giật cấp 7-8.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6h sáng nay (25/9), đã thông báo cho 27.396 tàu, thuyền/90.336 lao động; 1.868 lồng bè, chòi canh thủy sản/2.598 lao động biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh.
“Chúng tôi đã điện cho các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa biết về diễn biến áp thấp nhiệt đới để lên phương án phòng tránh. Theo báo cáo của các địa phương, tại tỉnh Quảng Ninh vẫn còn hơn 1.000 tàu thuyền vẫn hoạt động gần bờ, Hải Phòng còn hơn 800 tàu thuyền còn hoạt động gần bờ” – đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết.
Về tình hình sản xuất nông nghiệp, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin: Khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), trung du và miền núi phía Bắc có khoảng 961.000 ha lúa trổ bông. Các tỉnh đã thu hoạch 190.000/545.000ha
Rau màu vụ Thu Đông và Đông đã trồng được trên 100.000 ha. Hiện các địa phương đã tranh thủ khơi thông kênh mương, tiêu thoát nước để khô mặt ruộng.
“Để xảy ra thiệt hại về người là lỗi của chúng ta”
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT lưu ý: Áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực có nhiều hoạt động trên biển như tàu thuyền đánh bắt cá, du lịch, nuôi trồng thủy hải sản gần bờ… Ngoài ra, trên đất liền nhiều diện tích lúa đang thời kỳ thu hoạch nên dễ xảy ra tổn hại nặng nề.
Từ phân tích trên, ông Hoài đề nghị: Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT luôn theo dõi sát diễn biến áp thấp nhiệt đới, đôn đốc các địa phương không được chủ quan trong công tác phòng, chống.
“Vừa qua cơn bão số 10 là rất lớn, nhưng do công tác chỉ đạo ứng phó quyết liệt ngay từ đầu nên nên đã giảm thiểu đáng kể về thiệt hại. Lần này áp thấp nhiệt đới mà gây thiệt hại về người là do lỗi của chúng ta. Do đó, chúng ta không được chủ quan với áp thấp nhiệt đới” – ông Hoài nói.
Ông Hoài đề nghị: Các địa phương cần khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ, trú tránh tại nơi an toàn; Vụ quản lý đề điều, thủy lợi lưu ý các hồ chứa và các điểm đê có nguy cơ xảy ra sự cố do tác động của mưa lớn, cần có phương án sửa chữa và đối phó; Cục Trồng trọt cần phối hợp với các địa phương lên phương án phòng tránh thiệt hại cho các diện tích hoa màu, đặc biệt là diện tích lúa đang ở thời kỳ chuẩn bị thu hoạch.
Nguyễn Dương