Chiêu lừa tuyển dụng lao động mới
Thời gian gần đây, nhiều nhà máy và công ty tại Nghệ An đã rất bức xúc khi phải tiếp đón, làm việc với người lao động "được nhận" vào công ty mình với con dấu, thông báo mang tên doanh nghiệp mình mà thực chất là giấy tờ giả.
Lợi dụng nhu cầu về việc làm bức thiết của người lao động, một số cá nhân, trung tâm việc làm đã có chiêu mới để lừa người lao động lấy tiền...
Ông Trần Đình Khanh - Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp ôtô Trường Sơn (trụ sở tại KCN Bắc Vinh - thành phố Vinh) mấy tháng nay đã phải gửi nhiều công văn lên các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp do liên tục nhận được các thông báo tuyển dụng mạo danh đơn vị mình để tuyển người vào làm việc tại Công ty.
Ngày 12/10/2005, công ty "được" tiếp anh Hồ Viết Giang (sinh năm 1977) quê quán Quỳnh Lưu, Nghệ An với tờ thông báo số 47/TB ngày 26/9/2005 do ông Trần Đình Khanh - Giám đốc Công ty CP công nghiệp ôtô Trường Sơn ký, về việc tuyển dụng anh Giang đi học thợ sơn để vào làm việc tại công ty. Anh Giang cũng cho biết anh đã đặt cọc 13 triệu đồng để được thông báo này. Qua xác minh, rõ ràng thông báo, con dấu, chữ ký đều là giả.
Công ty CP công nghiệp ôtô Trường Sơn còn nhận được một số tờ tin tuyển người từ Trung tâm giới thiệu việc làm Tuổi Trẻ (số 19 - Nguyễn Sĩ Sách - Vinh, số ĐT: 038.840875) có thông báo tuyển người cho công ty, lệ phí khi nộp hồ sơ 1,5 triệu đồng/ người!
Ông Khanh cho biết khi gọi điện đến số máy của Trung tâm giới thiệu việc làm Tuổi Trẻ trên hỏi Công ty CP công nghiệp ôtô Trường Sơn ở đâu thì giọng nữ trong máy cho biết công ty đó ở ngã tư Ngân hàng, trong khi thực chất nhà máy chỉ có ở KCN Bắc Vinh. Và Công ty CP CN ôtô Trường Sơn cũng không uỷ quyền cho đơn vị nào khi tuyển dụng lao động, càng không có chuyện thu lệ phí 1,5 triệu đồng/người.
Không chỉ Công ty CP CN ôtô Trường Sơn, các công ty CP XNK thủ công mỹ nghệ Nghệ An, Công ty ống thép Nghệ An, Công ty XNK Intirmex Nghệ An, Tổng Công ty Lắp máy Lilama, Công ty cổ phần ximăng Đô Lương... đều gặp cảnh tương tự khi đồng thời "được" các trung tâm dịch vụ việc làm tuyển lao động hộ.
Ông Nguyễn Huy Lan - Giám đốc Công ty ống thép Nghệ An - cũng cho biết: Ông không tuyển thợ điện 10 người, thợ động lực 5 người, thợ tiện phay bào 5 người... như một thông báo nào đó. Công ty chỉ đăng tuyển người trên Báo Nghệ An và không hợp đồng với đơn vị tuyển người nào.
Còn Trung tâm XNK Intirmex Nghệ An thì được Trung tâm việc làm Thanh Niên (số 88 - Lê Hồng Phong) "lăngxê" tuyển hàng chục lao động với các loại hình đa dạng: Quản lý 3 người, kế toán 8 người, nhân viên bán hàng 35 người, bảo vệ 8 người, công nhân kỹ thuật 3 người... Nhưng ông Nguyễn Văn Bá - Giám đốc chi nhánh khẳng định giữa hai đơn vị này không có hợp đồng nào về việc uỷ quyền tuyển dụng lao động.
Nhà máy ximăng Đô Lương - Nghệ An còn bị các tờ rơi, các thông báo giả được gửi về tận các huyện Yên Thành, Đô Lương về việc tuyển lao động đi làm việc cho nhà máy, mỗi người nộp từ 8 - 18 triệu đồng, tuỳ theo công việc, trong khi nhà máy này chưa xây dựng. Ông Trần Văn Noãn - Giám đốc Công ty CP ximăng Đô Lương - bức xúc: "Suốt ngày tôi cứ phải tiếp người và điện thoại từ nhiều nơi về do các thông báo giả nêu trên".
Ai đứng đằng sau các thông báo giả?
Thủ đoạn của bọn lừa đảo là đánh vào nhu cầu việc làm bức thiết của người lao động, lợi dụng tên tuổi một số doanh nghiệp lớn, các nhà máy sắp đi vào hoạt động để "mời chào" người lao động nộp hồ sơ, đặc biệt là các nhà máy tại các khu công nghiệp của Nghệ An. Rất nhiều người lao động đã tin và nộp hồ sơ cho các trung tâm này và họ "nuốt gọn" số phí đó.
Khi xem các tờ rơi, tờ tuyển người, thấy có tên một số trung tâm dịch vụ việc làm, nhưng nổi lên là tên tuổi của "đại gia" Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh Niên Nghệ An tại 88 - Lê Hồng Phong. Gõ cửa trung tâm này, giám đốc trung tâm đã giả ngây ngô cho rằng mình "nghe tin" các công ty, nhà máy tuyển người nên... cũng tuyển.
Số liệu sổ sách thể hiện riêng năm 2005, trung tâm này đã nhận hồ sơ của 448 người đến xin tuyển, đã nhận lệ phí 22.400.000 đồng (lệ phí 50.000 đồng/hồ sơ) theo kiểu tuyển trên. Tất nhiên, số phí trên người lao động mất đứt. Còn số tiền đặt cọc, hay tiền "chạy" khác thì chưa xác minh được.
Vậy là với kiểu ngồi mát "ăn" phí kể trên, các trung tâm vừa làm mất uy tín doanh nghiệp, mất thời gian của họ, vừa "móc túi" người lao động một cách... đàng hoàng. Một số lao động bị lừa đảo thì cơ quan chức năng đang xác minh.
Trường hợp tuyển giả hàng trăm lao động vào Nhà máy ximăng Đô Lương đang được cơ quan công an địa phương gấp rút điều tra do tính chất nguy hiểm của nó.
Theo Châu Lan
Lao Động