1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chiết khấu 50% lợi nhuận bất thường của nhà thầu dầu khí

(Dân trí) - Phần lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí khi giá dầu thô xuất khẩu tăng 20% dự kiến sẽ bị chiết khấu 50% về cho Ngân sách nhà nước (NSNN).

Chiết khấu 50% lợi nhuận bất thường của nhà thầu dầu khí - 1
Khai thác dầu khí là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, lợi nhuận cao.

Buổi họp sáng nay 17/7, UBTV QH đã bàn về đề xuất chính sách thu NSNN đối với lợi nhuận nhà thầu khi giá dầu xuất khẩu biến động.

Đồng ý với việc xác định tỷ lệ điều tiết và mức biến động tăng giá Chính phủ đưa ra nhưng trong UB tài chính ngân sách cũng còn nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc tỷ lệ 50% vì trên thực tế dầu khí là tài nguyên quý không tái tạo được. Hiện tỷ lệ phân chia lợi nhuận sau thuế, khấu trừ chi phí giữa chủ nhà và nhà thầu nước ngoài đã là 50/50.

Trường hợp giá dầu tăng đột biến, ngoài phần lợi nhuận được hưởng, nếu với tỷ lệ điều tiết là 50% thì nhà thầu nước ngoài sẽ có thêm lợi nhuận phát sinh rất lớn do yếu tố khách quan mang lại, không phải có từ những nỗ lực lao động, kinh doanh.

Để đảm bảo tính hợp lý trong tỷ lệ điều tiết, bảo đảm lợi ích quốc gia, nhiều đại biểu đề nghị tăng mức điều tiết lên 70% để tăng thu cho NSNN vừa bảo đảm cho nhà thầu nước ngoài có được khoản lợi nhuận bất thường ở mức hợp lý.

Mức biến động 20% đề ra cũng có ý kiến cho rằng chưa đủ căn cứ và lý lẽ, chưa nêu rõ mối liên hệ với chỉ số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Vì thế cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc áp dụng thu bổ sung ngay cả khi mức giá biến động tăng thấp hơn 20%.

Về việc sử dụng nguồn thu đối với phần lợi nhuận bất thường của nhà thầu, UB tài chính ngân sách nghiêng về phương án đưa vào NSNN, trình QH xem xét việc sử dụng hàng năm. Cũng có đề xuất đưa vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu để góp phần điều tiết thị trường, giữ ổn định về giá mặt hàng này.

Tuy nhiên, phó Chủ nhiệm UB kinh tế Nguyễn Văn Phúc lật lại vấn đề, quy định phụ thu này cũng cần có lý giải hợp lý. Ông Phúc phân tích, yếu tố giá do biến động thị trường làm nhà đầu tư được hưởng chênh lệch lớn nhưng các quy định hiện hành lại chưa có để điều chỉnh.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh dẫn luật khoáng sản về các nghĩa vụ của người được giao quyền khai thác dầu khí, khẳng định đề xuất của Chính phủ có điểm tỳ pháp lý chắc chắn.

Bộ trưởng Ninh cho biết, nếu không ra nghị định về việc áp phụ thu thì vẫn có thể dùng thuế điều tiết nhưng rất phức tạp.

Bài học từ năm 2008 khi giá dầu leo thang tới mức 130 - 140 USD/thùng, Chính phủ nâng thuế xuất khẩu lên 20% nhưng đã gây phản ứng quyết liệt từ các nhà thầu vì hầu hết các hợp đồng đã ký có cam kết “ngoài các điều khoản này nhà thầu nước ngoài không phải thực hiện nghĩa vụ nào khác”.

“Cách điều tiết như vậy, cuối cùng Tập đoàn dầu khí Việt Nam phải nộp thay toàn bộ khoản này, nghĩa là tự lấy của của ta để nộp” - Bộ trưởng Tài chính phân trần cái khó.

Việc thiết kế đánh thuế lũy tiến, ông Ninh cũng phân tích là quá phức tạp, khó khăn trong quản lý và thường gây tranh cãi khi thực hiện. “Việc điều tiết này chủ yếu đối với nước ngoài vì nếu không là ta mất” - ông Ninh nhắc lại.

Chủ nhiệm UB tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển chia sẻ quan điểm ủng hộ Chính phủ vì lợi ích quốc gia vì nếu không kịp sửa các luật thuế mà lại để tuột khỏi tay một nguồn thu rất quan trọng cũng là trách nhiệm.

Tổng kết các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm nhất trí về nguyên tắc với việc Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh việc áp tính phụ thu do tăng giá xuất khẩu dầu thô.

P. Thảo