Chiến thắng Ngã Năm với chiến thuật bao vây, đánh lấn đầu tiên ở miền Tây

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Chiến thắng Chi khu Ngã Năm mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, đó là lần đầu tiên ở chiến trường Tây Nam Bộ áp dụng chiến thuật bao vây, đánh lấn của du kích và bộ đội địa phương.

Trong chiến tranh chống Mỹ, Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) nằm trên vùng đất ngã ba sông có năm nhánh tỏa ra năm ngã là Cà Mau, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Phú Lộc, Rạch Giá. Khu vực này được xác định có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế nên Mỹ - Ngụy đã thiết lập một chi khu tại đây mang tên Chi khu quân sự Ngã Năm.

Chiến thắng Ngã Năm với chiến thuật bao vây, đánh lấn đầu tiên ở miền Tây - 1

Chợ nổi Ngã Năm là một trong những chợ nổi nổi tiếng ở miền Tây.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng (nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng) cho biết, trong những cuộc tấn công, bao vây Chi khu Ngã Năm thì cuộc chiến vào năm 1968 là cuộc bao vây kéo dài, ác liệt nhất. Lúc đó chị là Đội trưởng đội du kích, trực tiếp tham gia trận đánh ngày ấy. 

Đêm 21/5/1968, các mũi bao vây đồng loạt nổ súng tấn công vào Chi khu Ngã Năm. Bước đầu, quân ta chọn bốn đồn án ngữ bên ngoài Chi khu làm mục tiêu tấn công trước.

Trong những ngày đầu bao vây, ta chỉ pháo kích, bắn tỉa, áp đảo tinh thần binh lính địch, tạo điều kiện cho lực lượng dân công tập trung xây dựng hai pháo đài, lập thành thế bao vây, tấn công hiệu quả hơn cho bước tiếp theo.

Quân địch hết sức hoảng sợ nên cố liều chết xông ra đánh phá, đồng thời gọi phi cơ, pháo binh yểm trợ. Có pháo đài, chiến sĩ ta gồm những người bắn giỏi đã túc trực, luân phiên canh chừng, tên nào ló ra đều lọt vào tầm ngắm.

Trong gần một tháng bao vây, quân ta đã giành được thắng lợi lớn, bọn địch vô cùng hoang mang. Tình thế lúc này có lợi cho quân ta, nếu dồn sức lên nhất định sẽ thắng lợi, dứt điểm. Ban chỉ huy chiến dịch đã thay đổi chiến thuật bao vây mới được gọi là "xa luân chiến". Ban đêm, ta cho lực lượng du kích thúc sát pháo kích, bắn tỉa, chọc phá không cho quân địch nghỉ ngơi. Ban ngày, du kích rút về phía sau dưỡng sức. Đổi lại, bộ đội huyện và tỉnh đưa quân vào thay thế, chủ yếu là chống phản kích và diệt cho được bọn đầu sỏ.

Song song với việc thay đổi chiến thuật bao vây, lãnh đạo Tỉnh ủy, Huyện ủy đã quan tâm chỉ đạo với một quyết tâm cao: "Tất cả dồn sức cho bao vây, tất cả cho dứt điểm Chi khu Ngã Năm". Mặt khác, phía ta nắm chặt tình hình diễn biến trong sĩ quan, binh lính địch tại chi khu, đưa gia đình binh sĩ ra đấu tranh trực diện với bọn tiểu khu, chi khu đòi đổi con em họ đi nơi khác, nơi nào mạnh hơn là đòi giải ngũ, cho con em họ về gia đình làm ăn… Phương pháp vận động này đã làm tan rã rất nhiều binh sĩ trong chi khu. Đồng thời, tác động mạnh đến tinh thần số còn lại.

Sau 52 ngày đêm (từ 21/5 đến 2/7/1968) của chiến dịch bao vây đánh lấn, quân dân Thạnh Trị được hỗ trợ mạnh của một bộ phận lực lượng tỉnh, quân ta đã hoàn toàn giải phóng Chi khu Ngã Năm.

Chiến thắng Ngã Năm với chiến thuật bao vây, đánh lấn đầu tiên ở miền Tây - 2

Tượng đài chiến thắng Ngã Năm.

Cựu chiến binh Lê Văn Việt (ngụ phường 1, thị xã Ngã Năm, người từng tham gia những trận đánh ở Chi khu Ngã Năm), tự hào: "Chiến thắng Chi khu Ngã Năm mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Bằng chiến thuật bao vây đánh lấn của du kích và bộ đội địa phương đã dứt điểm hoàn toàn một chi khu quân sự thuộc vào loại phòng thủ kiên cố nhất nhì tại vùng ĐBSCL.

Chiến thắng Chi khu Ngã Năm là kết quả của sự chỉ đạo quyết tâm, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, kiên trì bám trụ, bám dân, xây dựng cơ sở vững chắc, mưu trí sáng tạo, dũng cảm liên tục tấn công, tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên địch".

Chiến thắng Chi khu Ngã Năm mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, đó là lần đầu tiên ở chiến trường Tây Nam Bộ áp dụng chiến thuật bao vây, đánh lấn của du kích và bộ đội địa phương.