Chiến dịch Cánh đồng Chum - Thắng lợi của tình đoàn kết Việt - Lào
(Dân trí) - Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là thắng lợi đặc biệt của liên minh chiến đấu đặc biệt, tô thắm thêm những trang lịch sử hào hùng về mối quan hệ của hai dân tộc Việt Nam - Lào anh em.
Ngày 20/5, tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng - thắng lợi và bài học kinh nghiệm". Đây là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1972 - 2022) và kỷ niệm "Năm Hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Lào" - 60 năm Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022).
Dự và chủ trì hội thảo có các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng cùng các nhà nghiên cứu lịch sử và nhân chứng trực tiếp tham gia chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum.
Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế của ba nước Đông Dương nên Mỹ và lực lượng tay sai luôn tìm mọi cách để chiếm lại khu vực này. Giữ vững vùng chiến lược này có ý nghĩa đặc biệt đối với thế liên hoàn chiến trường là quyết tâm chiến lược của lãnh đạo 2 Đảng và quân đội 2 nước Việt Nam, Lào.
Đầu tháng 4/1972, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào quyết định mở Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội hai nước Việt Nam và Lào tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh trên chiến trường Lào với sự tham gia của nhiều đơn vị chủ lực cùng vũ khí, khí tài hiện đại.
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng diễn ra từ ngày 21/5 đến ngày 15/11/1972, trải qua 4 đợt chiến đấu, với 244 trận đánh lớn, nhỏ, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân và dân Lào đã kiên cường đánh lui các đợt tiến công của địch vào khu vực phòng ngự; đồng thời chủ động phản kích và đưa lực lượng ra tuyến trung gian đánh tiêu hao địch, phá thế tiến công tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn có tính chất chiến lược của Mỹ và tay sai.
Chiến dịch thắng lợi đã loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 tên địch, bắn rơi 38 máy bay thu nhiều vũ khí, khí tài... qua đó làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng Lào, tạo thế phối hợp hiệu quả với chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.
"Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 trở thành biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ta và bạn tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh trên chiến trường Lào, để lại nhiều bài học quý về lý luận và thực tiễn phát triển của nghệ thuật chiến dịch", Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận của các vị lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương... Các tham luận đã tập trung luận giải nhiều nội dung cụ thể, với nguồn tư liệu phong phú, tiếp cận đa chiều, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, khẳng định thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành chiến tranh cách mạng của Đảng. Đồng thời, rút ra được những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thành công của chiến dịch để lại nhiều bài học quý góp phần làm phong phú thêm lý luận về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, đặc biệt là với loại hình chiến dịch phòng ngự để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng khẳng định liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được hình thành một cách tự nhiên như chính yêu cầu của lịch sử, ngày càng được củng cố bền chặt. Đây cũng chính là thắng lợi đặc biệt của liên minh chiến đấu đặc biệt, của Đảng, quân đội và nhân dân 2 nước, tô thắm thêm những trang sử hào hùng về mối quan hệ keo sơn, gắn bó, bền chặt của hai dân tộc Việt Nam - Lào anh em.