1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chiến đấu viên quân đội được nghỉ hưu khi đủ… 40 tuổi

(Dân trí) - Quân nhân chuyên nghiệp như chiến đấu viên, công nhân quốc phòng như kỹ sư sản xuất, sửa chữa vũ khí, viên chức quốc phòng như bác sỹ quân y… có những quy định đặc thù về hạn tuổi phục vụ, được điều chỉnh linh hoạt hơn so với hạn “cứng” áp dụng chung là 50 tuổi hiện nay…

Đây là nội dung mới được làm nổi bật trong buổi họp báo công bố Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng tại Văn phòng Chủ tịch nước sáng nay, 18/12.

Về hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp, Cục trưởng Cục Quân lực – Thiếu tướng Tô Viết Báo cho biết, luật lần này điều chỉnh theo hướng để đảm bảo nguồn nhân lực cho quân đội, giảm chi phí đào tạo thay thế số quân nhân chuyên nghiệp còn đủ sức khoẻ đồng thời khắc phục tình trạng hàng năm phải kéo dài độ tuổi phục vụ tại ngũ với số lượng rất lớn.

Theo phân tích, thời gian qua, do văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ về vị trí chức năng của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong tổ chức biên chế của quân đội nên việc quản lý, sử dụng chưa cao, lãng phí nguồn nhân lực. Quy định quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu ở độ tuổi 50 trở xuống khi tuổi đời còn trẻ, có sức khoẻ, có trình độ chuyên môn kỹ thuật đã ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng quân đội.

Việc quân nhân chuyên nghiệp chỉ phục vụ tại ngũ đến 50 tuổi như quy định hiện hành sẽ không đủ điều kiện để hưởng mức lương hưu là 75% theo quy định tại luật Bảo hiểm xã hội 2014, ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của ực lượng này.

 

Bác sỹ quân y là đối tượng được xác định thuộc biên chế viên chức quốc phòng, sẽ được áp dụng những chính sách đặc thù của quân đội.
Bác sỹ quân y là đối tượng được xác định thuộc biên chế viên chức quốc phòng, sẽ được áp dụng những chính sách đặc thù của quân đội.

Cụ thể, luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, cấp uý là 52 tuổi đối với cả nam và nữ; Thiếu tá, Trung tá là 54 tuổi đối với cả nam và nữ; Thượng tá là 56 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.

Riêng chức danh chiến đấu viên, để đảm bảo sức khoẻ hoàn thành nhiệm vụ, luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là đủ 40 tuổi. Khi hết hạn tuổi phục vụ, các chiến đấu viên được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được thì nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Ngoài quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất, Thiếu tướng Tô Viết Báo cho biết luật còn quy định, quân nhân chuyên nghiệp được phục vụ tại ngũ có thời hạn ít nhất 6 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp hoặc phục vụ tại ngũ cho đến hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm và khi quân đội có nhu cầu, quân nhân có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khỏe tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ nhưng không quá 5 năm. Đối với quân nhân dự bị,hạn tuổi cao nhất phục vụ trong ngạch này cũng được quy định phù hợp với ngạch chuyên nghiệp.

Hạn tuổi cao nhất phục vụ trong quân đội của công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng được quy định phù hợp với quy định của Bộ luật lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội, luật quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với công nhân, viên chức quốc phòng trong trường hợp do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng, nếu nam đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi,  nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm trở lên thì được nghỉ hưu.

Về cấp bậc quân hàm, luật quy định quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ huy, quản lý trong quân đội. Có 7 cấp bậc bao gồm: Thiếu úy, Trung úy, Thượng úy, Đại úy, Thiếu tá, Trung tá và Thượng tá để kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, tương ứng với hệ thống cấp bậc hàm của sĩ quan trong quân đội và thực tế thực hiện từ trước đến nay không có vướng mắc.

Luật cũng đồng thời quy định cấp bậc hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao cấp là Thượng tá, có trình độ trung cấp là Trung tá, có trình độ sơ cấp là Thiếu tá.

Ngoài tiền lương theo được xác định theo trình độ đào tạo, chức danh, vị trí việc làm… quân nhân chuyên nghiệp còn được xét đến tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt, được xét hưởng phụ cấp thâm niên, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự, được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được thuê nhà ở công vụ và các chế độ, chính sách khác đối với lực lượng vũ trang.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

P.Thảo