1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Chiếc xe có tội tình gì mà bị phơi mưa, phơi nắng?”

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - khẳng định, ô tô, xe máy là tài sản của người dân. Đơn vị tạm giữ, bảo quản để xe phơi mưa, dãi nắng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xe hư hỏng.

“Chiếc xe có tội tình gì mà bị phơi mưa, phơi nắng?”
Hàng nghìn xe dầm mưa, dãi nắng tại Bến đỗ xe Mỹ Đình I trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trao đổi với PV Dân trí ngày 4/6, TS. Trần Thế Quân - Cục phó Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) - cho biết, từ năm 2013 Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã tiến hành khảo sát thực trạng quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu. Kết quả cho thấy tình trạng phơi mưa nắng phương tiện bị tạm giữ xảy ra ở nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Hải Phòng,…

“Việc bảo quản phương tiện trong điều kiện như vậy đã gây thiệt hại lớn cho xã hội. Chính vì thế, sau đó Bộ Công an đã xây dựng, giúp Chính Chính phủ ban hành Nghị định 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu”- ông Quân nói.

Theo Nghị định 115/2013 (có hiệu lực từ ngày 18/11/2013), trong thời gian bị tạm giam giữ, nếu phương tiện bị mất, bán, thay thế linh kiện,… thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo pháp luật. Đồng thời, người trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đáng chú ý, Nghị định 115 đã cho phép người dân, tổ chức có thể đặt tiền để bảo lãnh phương tiện vi phạm, đưa về nhà “tự giam”, bảo quản để tránh những hư hỏng, mất mát. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung hình phạt quy định cho hành vi đó. Tức là nếu người vi phạm lỗi vượt đèn đỏ (mức phạt tối đa 1,2 triệu đồng theo Nghị định 171) thì người vi phạm phải tới trụ sở cơ quan thụ lý giải quyết để “đặt cọc” bảo lãnh xe 1,2 triệu đồng để được đưa xe về. Khi đó người bảo lãnh xe phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.

UBND xã, phường, thị trấn nơi đang có phương tiện “tự tạm giữ” phải phối hợp giám sát, quản lý. Nếu tổ chức, cá nhân tự ý thay đổi nơi bảo quản hoặc sử dụng phương tiện vi phạm trong thời gian “tự giam” thì phương tiện đó sẽ bị chuyển về nơi tạm giữ theo quy định.

Một bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội (Ảnh: Thế Kha).
Một bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội (Ảnh: Thế Kha).

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng quy định thì rất tiến bộ nhưng thực tế đã không được như vậy. “Rất nhiều người dân phản ánh ô tô, xe máy của họ đã bị hư hỏng, mất mát thiết bị sau quá trình bị CSGT tạm giữ”- ông Hậu nói.

Ông Hậu phân tích: “Ô tô, xe máy là những tài sản có giá trị không nhỏ của người dân. Người dân điều khiển phương tiện vi phạm giao thông đường bộ đã bị lập biên bản xử phạt bằng tiền, tạm giữ, tước giấy phép lái xe. Nhưng việc tạm giữ phương tiện lại là chuyện khác bởi nó liên quan đến tạm giữ, bảo quản tài sản của người dân. Lẽ ra khi lập biên bản tạm giữ xe thì CSGT phải lập một biên bản ghi nhận hiện trạng của chiếc xe đó. Xe của tôi mới mua, đầy đủ phụ tùng, thiết bị thì không có lý do gì sau 7-10 ngày bị tạm giữ ở bãi xe lại mất cái gương, hỏng hóc cái này cái kia được. Nếu có biên bản ghi nhận hiện trạng xe trước khi bị tạm giữ thì người dân có quyền đòi bồi thường hư hỏng. Nhưng đa số CSGT không lập biên bản này nên khi nhận xe thấy hư hỏng thì người dân cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn” cam chịu”.

Ông Hậu khẳng định việc bảo quản phương tiện bị tạm giữ đang vi phạm các quy định hiện hành. “Chiếc xe có tội tình gì mà bị phơi mưa, phơi nắng dẫn tới hư hỏng? Đó là những thiệt hại rất lớn mà người dân đang phải gánh chịu”- ông Hậu thẳng thắn.

Một bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội (Ảnh: Thế Kha).
Luật sư Hậu khẳng định người dân có thể yêu cầu bồi thường khi thấy xe của mình hư hỏng sau quá trình tạm giữ (Ảnh: Thế Kha).

Theo bà Trịnh Minh Hiền - thành viên tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải) - Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã hạn chế tối đa việc tạm giữ phương tiện so với trước đây. “Chúng tôi hiểu rằng đó là phương tiện, tài sản của người dân dùng để đi lại, làm ăn. Còn việc tạm giữ, quy trình tạm giữ và bảo quản phương tiện, tài sản đó như thế nào thì thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, mà cụ thể là Cục Cảnh sát giao thông”- bà Hiền nói.

Bà Hiền đã tới một số bãi tạm giữ xe vi phạm ở Hà Nội và không khỏi “xót ruột” trước thực trạng hàng nghìn xe nằm phơi mưa, dãi nắng suốt ngày này tới ngày khác dẫn tới hư hỏng. “Luật đã quy định rất rõ rồi, người tạm giữ phương tiện phải có trách nhiệm bảo quản phương tiện và giao lại cho chủ sở hữu khi hết thời hạn tạm giữ. Còn việc để phương tiện phơi mưa, dãi nắng dẫn tới hư hỏng đang gây lãng phí rất lớn cho cả xã hội như thế thì đó là do lỗi của cơ quan thực thi và cần thiết phải sớm tìm giải pháp tháo gỡ”- bà Hiền bày tỏ.

         Những trường hợp không được bảo lãnh xe vi phạm

Theo Nghị định 115/2013, chỉ những trường hợp đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, gây tai nạn giao thông, làm giả giấy đăng ký, biển kiểm soát hoặc phương tiện đang là vật chứng của vụ án hình sự hoặc đang được đăng ký giao dịch bảo đảm thì mới không được phép đặt tiền bảo lãnh khi xe vi phạm tới mức phải tạm giữ. Còn lại những hành vi vi phạm thuộc diện tạm giữ phương tiện trong thời gian 10 ngày trong Nghị định 171/2012 như vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, cản trở xe ưu tiên, uống rượu bia… nếu không muốn bị giữ xe thì người vi phạm có thể đặt tiền bảo lãnh để “tự giam giữ” xe ở nhà.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm