1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chiếc máy cày, chiếc sanh đồng Bác tặng...

(Dân trí) - Chiếc máy cày DT24, chiếc sanh đồng, 4 bức thư Bác gửi… Đó là những kỷ vật thiêng liêng Người dành cho nhân dân Thanh Hóa.

Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 40 hiện vật về Bác Hồ với Thanh Hóa đang được trưng bày. Hiện Bảo tàng tỉnh này đã sưu tập được 61 tài liệu, hiện vật gốc của Bác Hồ với nhân dân Thanh Hóa và hàng trăm đầu sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Từ chiếc sanh đồng, máy cày Bác tặng...

Có một chiếc sanh đồng duy nhất hiện được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, nó đã được trưng bày 13 năm tại đây. Nhưng trước đó 48 năm, đó là món quà Bác Hồ tặng bà Hà Thị Nú, người con của bản Thái, Chiềng Kẽm, xã Yên Khương (Lang Chánh) nhân dịp bà là đại biểu dân quân xuất sắc, được cử tham gia đoàn đại biểu các dân tộc miền núi Thanh Hóa, Nghệ An ra thủ đô Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2/9/1956.

Suốt 48 năm ở nhà bà Nú, chiếc sanh đồng đã được bà nâng niu, gìn giữ rất cẩn thận vì đó là món quà của Bác Hồ- báu vật của cuộc đời bà. Sau này, khi nghe tin Bác mất, chiếc sanh đã được bà Nú trân trọng đặt trên bàn thờ nhà mình để tỏ lòng tôn kính Bác.

Chiếc sanh đồng- kỷ vật Bác Hồ tặng bà Nú
Chiếc sanh đồng- kỷ vật Bác Hồ tặng bà Nú

Từ làm vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày đến làm đồ thờ, chiếc sanh lúc nào cũng chiếm vị trí thiêng liêng, ý nghĩa trong gia đình bà Hà Thị Nú. Kể cả về sau này, vào năm 2004, khi chiếc sanh được bà tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thì nó vẫn là một trong những hiện vật được trưng bày ở một nơi trang trọng nhất.

Ngoài chiếc sanh đồng, ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn có một báu vật từng một thời làm nên cuộc sống ấm no cho bà con Yên Trường (huyện Yên Định). Đó là chiếc máy cày DT24 được Bác Hồ tặng nhân dân Yên Trường vào năm 1962. Dù có nắng, có mưa, có đi qua thời gian thì chiếc máy cày ấy cũng vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Hơn 50 năm trước, chiếc máy cày đã giúp nhân dân Yên Trường trở thành một trong những lá cờ đầu về sản xuất nông nghiệp của huyện và tỉnh trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, chiếc máy cày này do Ba Lan chế tạo tặng Bác, và chính đại sứ Ba Lan đã về trao tận tay cho bà con nhân dân tại sân vận động xã Yên Trường. Cũng từ đây, chiếc máy cày có công suất 25 mã lực này đã được sử dụng để khai hoang, cải tạo đồng ruộng, kéo rơ moóc vận chuyển lương thực, hàng hóa phục vụ nhân dân trong vùng.

Chiếc máy cày Bác Hồ tặng nhân dân Yên Trường năm 1962
Chiếc máy cày Bác Hồ tặng nhân dân Yên Trường năm 1962

Với đồng ruộng xưa của Yên Trường, nó đã từng thao tác những đường cày làm lật tung lớp đất theo hàng lối thẳng tắp, tạo động lực phấn khởi cho bà con trong sản xuất và càng hãnh diện, tự hào hơn khi vào thời điểm lúc bấy giờ, nó là chiếc máy cày đầu tiên ở xã Yên Trường nói riêng và huyện Yên Định nói chung. Cho đến năm 1976, chiếc máy cày này đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Hơn 50 năm trôi qua, chiếc máy cày vẫn là niềm tin, là sức mạnh của người dân Thanh Hóa. Món quà không chỉ là báu vật của riêng xã Yên Trường mà còn là báu vật của tỉnh Thanh Hóa.

Đến những bức thư đượm tình Bác

Ngoài những hiện vật: máy cày, sanh đồng thì ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện còn lưu giữ những món quà tinh thần của Bác đó là 4 bức thư Người gửi cho quân và dân Thanh Hóa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mỗi bức thư như là một dấu mốc quan trọng cho những kỳ tích trong chiến tranh.

4 bức thư được trưng bày trang trọng trong tủ kính. Bức lâu nhất được Bác gửi cách đây 69 năm, bức ít tuổi nhất cũng đã 50 năm. Những bức thư thời chiến, dù có nhuốm màu thời gian nhưng sức sống vẫn mãnh liệt, ngay cả trong thời bình.

Bức thư thứ nhất vào ngày 30/11/1948, Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào Thanh Hóa đã sửa đê, hộ đê rất tốt; bức thứ 2 vào ngày 12/10/1965, Bác gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Thanh Hóa bắn rơi 100 máy bay Mỹ.

Chiếc máy cày, chiếc sanh đồng Bác tặng... - 3
Bốn bức thư thấm đẫm tình cảm của Người với nhân dân Thanh Hóa
Bốn bức thư thấm đẫm tình cảm của Người với nhân dân Thanh Hóa

Bức thứ 3 vào ngày 6/3/1967, Bác khen quân và dân trong tỉnh bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.700 và 1.701 của giặc Mỹ; và bức thứ 4, vào ngày 5/7/1967, Bác gửi thư khen ngợi Trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Hậu Lộc) - đơn vị dân quân gái đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh... Ngày hôm nay, đọc lại thư Bác như đang tái hiện lại hình ảnh chiến đấu kiên cường của 14 cô gái trong Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc ở khu căn cứ Đông Ngàn vào ngày 16/6/1967.

Vào những thời điểm khác nhau nhưng 4 bức thư không chỉ là khen thành tích hiện tại mà còn là cả những nhiệm vụ ở phía trước, đó là giành nhiều thắng lợi hơn nữa, góp phần cùng cả nước để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Và sự thật thì chúng ta đã chiến thắng, trong đó có đóng góp không nhỏ của quân và dân Thanh Hóa.

Không chỉ có những hiện vật do Bác tặng cho nhân dân Thanh Hóa, tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn có một số hiện vật thể hiện tình cảm của người dân Thanh Hóa với Bác Hồ kính yêu như: bức phù điêu chân dung Bác Hồ; tấm đá chúc thọ Hồ Chủ tịch; tượng bán thân Bác Hồ; tranh sơn dầu: Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chủ chốt tỉnh Thanh Hóa tại Rừng Thông, Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ (Sầm Sơn)…

Như một thước phim quay chậm, mỗi hiện vật ẩn chứa những câu chuyện khác nhau, song tất cả đều thấm đẫm tình cảm của Bác dành cho xứ Thanh, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thanh Hóa đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm